Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam: tiềm năng nhưng nhiều thách thức

2022-11-29 14:44:00

Hàng năm, sản lượng thủy sản hàng của Việt Nam có thể đạt 10 triệu tấn, trong đó nuôi trồng hơn 7 triệu tấn cung cấp 70% nguyên liệu cho xuất khẩu.

>> Kim ngạch thủy sản 2022 của Việt Nam sẽ cán mốc kỷ lục 11 tỷ USD?

Lợi thế về tính đa dạng trong nuôi trồng thủy sản phù hợp xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới sẽ giúp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng thị phần tại các nước phát triển.

Đó là kỳ vọng của ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết. Ông Hòe cho biết, xuất khẩu thủy sản đã phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, ước tính xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ cán mốc 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4,3 tỷ USD; cá tra 2,5 tỷ USD; hải sản 3,2 đạt tỷ USD và cá ngừ đạt 1 tỷ USD.

Đáng chú ý, tất cả các sản phẩm đều tăng trưởng 2 con số, bình quân từ 18 - 77%. Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam chia sẻ: “Không ai nghĩ Việt Nam có thể xuất khẩu mạnh vào thị trường Hoa Kỳ vì năm 2004 bị chống bán phá giá với thuế suất cao, nhưng gần 20 năm kiên trì theo đuổi, chỉ 3 năm sau giai đoạn 2003 - 2004, xuất khẩu vào thị trường này đã tăng trưởng”.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Việt Nam hiện có công suất chế biến thực tế 3 triệu tấn/năm so với mức xuất khẩu xấp xỉ 2 triệu tấn hiên nay. Hiện có 20 công ty trong câu lạc bộ 100 triệu USD và sẽ gia tăng trong vài năm tới.

Từ những biến cố sau đại dịch, VASEP đã rút ra bài học cho ngành thủy sản là cần chủ động trong vấn đề nguyên liệu. Khi toàn thế giới bắt đầu giai đoạn cao trào của đại dịch, các doanh nghiệp thủy sản vẫn tiếp tục kiến nghị Chỉnh phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải tiếp tục nuôi trồng thủy sản, điều đó giúp ngành thủy sản phục hồi nhanh sau đại dịch.

>>> Xuất khẩu thủy sản: Số hóa để khắc phục “thẻ vàng” IUU

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có công nghệ chế biến thủy sản hiện đại nhất. Hơn 700 cơ sở chế biến đạt chứng nhận bắt buộc của EU, Trung Quốc. USDA công nhận tương đương cho ngành xuất khẩu cá tra. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp có chứng nhận bền vững quốc tế ngày càng tăng.

Mô hình nuôi trồng thủy sản bằng nhựa HDPE tại Vân Đồn (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Tuy nhiên, còn hàng loạt thách thức về vấn đề nguyên liệu chế biến cho ngành thủy sản. Ông Hoè chỉ ra hàng loạt vấn đề bao gồm: Quỹ đất cho nuôi trồng thủy sản; cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng; chất lượng con giống, giống bố mẹ, chi phí đầu vào; công tác quản lý thủy sản theo Quy định IUU, chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản; cường lực khai thác và đánh giá nguồn lợi.

Bên cạnh đó, thị trường khi lạm phát, suy giảm tăng trưởng ở các thị trường chính ảnh hưởng đến chi tiêu và hạn chế nhu cầu tiêu dùng, tác động trực tiếp, tạo áp lực đến ngành thuỷ sản. Sự cạnh tranh khó khăn với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn cũng là một điểm khó cho ngành thủy sản Việt Nam.

Doanh nghiệp cần cố gắng tiếp tục sản xuất, duy trì lực lượng lao động, nhất là công nhân có tay nghề, khi thời cơ đến thì tăng trưởng và xuất khẩu

“Thị trường thủy sản không thể xuống mãi mà phải có lúc lên. Doanh nghiệp cần cố gắng tiếp tục sản xuất, duy trì lực lượng lao động, nhất là công nhân có tay nghề, khi thời cơ đến thì tăng trưởng và xuất khẩu”, ông Hòe nhấn mạnh.

Trước tình hình kinh tế thế giới đang gặp khó khăn, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển dự báo năm 2023 kinh tế thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng đối mặt nhiều thách thức. Với riêng ngành thủy sản, “trong cơ cấu xuất khẩu 10 tháng 2022, đây là ngành có mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ, trên 30%”.

"Dự báo năm 2023 kinh tế thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng đối mặt nhiều thách thức",TS. Đinh Thế Hiển

Đồng thời ông Hiển cũng đánh giá: Tình hình sử dụng vốn huy động của các công ty niêm yết ngành thủy sản khá ổn định, doanh thu tạo ra hài hòa với lượng vốn. Trong năm 2022, các công ty niêm yết ngành thủy sản có cơ cấu vốn khá tốt so với ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, cần sự kiên trì với xu hướng tiêu dùng linh hoạt, kiên trì với xu hướng tiêu dùng; không bị động chuyển đổi quy trình, mặt hàng hay cơ cấu sản phẩm; trang thiết bị cần hiện đại và chuyển đổi số. Cuối cùng là bền vững, sản xuất xanh và trách nhiệm xã hội đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhập khẩu để có những thị trường tương đối.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.