Châu Âu "đau đầu" vì cái giá phải trả cho chuyển đổi xanh

2023-09-27 07:44:00

Sự trỗi dậy của các đảng cực hữu đang khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu phải do dự hơn trong các chính sách đầy tham vọng về biến đổi khí hậu, đặc biệt là chuyển đổi xanh.

Ngày càng nhiều chính trị gia châu Âu lo ngại tăng tốc chuyển đổi xanh có thể khiến họ mất đi cử tri ủng hộ

Vấn đề chuyển đổi xanh đang bị chính trị hóa tại nhiều quốc gia châu Âu . Chuyển đổi xanh rõ ràng là cần thiết, nhưng “xanh” đến mức đẩy các cử tri về phía đối lập đang là thách thức không dễ giải quyết của nhiều chính trị gia EU.

Châu Âu "hãm cương" chuyển đổi xanh?

Theo các nhà quan sát, ở nhiều quốc gia, các đảng cực hữu đang từ bỏ vấn đề rời khỏi Liên minh châu Âu để chuyển sang tấn công các chính sách về khí hậu được cho là tốn kém và có hại cho túi tiền người dân. Trước thềm nhiều cuộc bầu cử ở châu Âu vào năm tới, nhiều nhà lãnh đạo đang phải giảm bớt tham vọng về chuyển đổi xanh để đổi lấy sự ủng hộ của cử tri.

>> Đức đối mặt "cơn gió ngược" trong chuyển đổi xanh

Người mới nhất đưa ra các chính sách biến đổi khí hậu thân thiện với cử tri là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Đầu tuần này, ông đã đưa ra một chính sách chuyển đổi môi trường theo hướng cung cấp nhiều lợi ích hơn là áp dụng các hình phạt.

Đây được xem là cách tiếp cận tương tự ở Mỹ khi Tổng thống Joe Biden cam kết chi tới 369 tỷ USD cho các sáng kiến xanh trong Đạo luật Giảm lạm phát. Đây là gói chi tiêu lớn nhất từ trước đến nay cho các hành động về khí hậu, chủ yếu để nhằm xoa dịu sự phản đối của Đảng Cộng hòa đối với các nỗ lực biến đổi khí hậu như các chuyên gia đánh giá.

“Đó không phải là một chính sách phủ nhận môi trường hay một chính sách thắt lưng buộc bụng, điều đó sẽ không phù hợp với các tiêu chuẩn công nghiệp và xã hội của chúng ta,” ông Macron nói, đồng thời gửi một thông điệp tới cử tri: “Chúng ta muốn một hệ sinh thái dễ tiếp cận và công bằng, một hệ sinh thái không để ai thiếu giải pháp”.

Vụ biểu tình của phe Áo Vàng ở Pháp do tăng giá nhiên liệu là một bài học nhãn tiền

Tuần trước, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đã đưa ra tầm nhìn của Anh trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà không gây ra “chi phí đáng kể cho người lao động”.

Tấm gương của người Đức là một ví dụ khi chính phủ nước này đang bị chia rẽ sâu sắc bởi vấn đề máy sưởi điện cho người dân, vốn phát thải ít hơn loại chạy nhiên liệu hóa thạch. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã chỉ trích các quy tắc xanh của EU vốn gây ra chi phí kinh tế đáng kể, đồng thời kêu gọi chi tiêu nhiều hơn cho những nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế mà không đi ngược lại các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Cạnh tranh chính trị phủ bóng biến đổi khí hậu

Có những lý do khiến giới chính khách châu Âu phải giảm tốc các chương trình chuyển đổi xanh đầy tham vọng. Trong bối cảnh nền kinh tế nhiều nước hứng chịu lạm phát nặng nề sau chiến sự Nga – Ukraine, một sự hi sinh nữa về kinh tế để đánh đổi lấy các mục tiêu giảm phát thải vẫn còn mơ hồ đang không nhận được sự hưởng ứng.

Ông Macron hẳn vẫn chưa quên hậu quả của các cuộc nổi dậy phe Áo vàng bùng nổ sau kế hoạch tăng giá nhiên liệu vào năm 2018; hay cuộc biểu tình toàn quốc của bà Marine Le Pen, vốn phản đối hầu hết các chính sách xanh của Ủy ban châu Âu. Ứng cử viên này cũng đang thu hút cử tri nông thôn và ngoại ô bằng vấn đề khí hậu.

Theo một cuộc thăm dò của Elabe được công bố vào mùa hè, đảng của bà Le Pen đang trên đà giành được tỷ lệ phiếu bầu lớn nhất của Pháp trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, tiếp theo mới là đảng Phục Hưng của ông Macron.

>> Áp lực tạo cơ hội từ quy định chuyển đổi xanh của EU

Ở nước Anh, ông Sunak đang tìm cách vươn lên trước sự trỗi dậy của ông Keir Starmer từ Đảng Lao động. Ngay trong nội bộ Đảng Bảo thủ, Thủ tướng Anh cũng đang phải đối mặt với những nhóm chống mục tiêu phát thải bằng 0 nhằm thúc ép việc nới lỏng các mục tiêu về khí hậu.

Tại Berlin, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đã lo lắng khi nhìn vào kết quả các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy sự gia tăng ủng hộ vững chắc của Đảng AFD (Giải pháp Thay thế) cực hữu ở Đức. AFD phủ nhận rằng hoạt động của con người là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, và lãnh đạo của đảng, bà Alice Weidel, đã gọi chính sách thay thế sưởi điện của chính phủ là một "cuộc thảm sát".

Các cuộc bầu cử quan trọng đang tới gần có thể sẽ cản bước các nỗ lực chuyển đổi xanh ở châu Âu

Sự phản đối Thỏa thuận Xanh châu Âu cũng đang gia tăng trên khắp lục địa trong khi chỉ hai tháng tới sẽ diễn ra hội nghị khí hậu COP28 quan trọng ở Dubai - nơi các quốc gia đưa ra cam kết nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu năm 2030. Nhưng đối với châu Âu, loạt bầu cử của Nghị viện châu Âu vào năm 2024 mới là cột mốc gây lo ngại.

Bộ trưởng Tài chính Đức ngày 12/9 đã kêu gọi EC “tạm dừng” luật mới của EU nhằm cắt giảm khí thải. Theo ông, các quy định chặt chẽ hơn về hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà có thể sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ các cử tri đang chống chọi với lạm phát và tạo ra cơ hội lớn cho đảng AFD. Những lời kêu gọi tương tự cũng đến từ Bỉ, Áo, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Italia.

Tại Hà Lan, các nhóm cử tri nông dân đang rất thất vọng về tác động của các chính sách môi trường. Diễn biến bầu cử tại Hà Lan, dự kiến vào tháng 11 tới đây, được các chuyên gia nhận định sẽ là “một cuộc diễn tập trước cuộc bầu cử ở châu Âu”.

Nhưng lối tiếp cận cẩn trọng đó chắc chắn đang khiến các nhà vận động khí hậu tức giận. Tổ chức Greenpeace lập tức lên tiếng chỉ trích chính sách mới của ông Macron, cho rằng hoàn toàn không phù hợp trong bối cảnh thế giới vừa chứng kiến một trong những năm mà khí hậu diễn biến khó lường nhất.

Heather Grabbe, chuyên gia tổ chức tư vấn Bruegel, Giáo sư tại Đại học College London, nói: "Bằng cách rón rén và chỉ trình bày một chút chỗ này và một chút chỗ kia… không hề làm hài lòng các nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi - những người dựa trên dẫn chứng khoa học và thấy cần phải đi nhanh hơn và xa hơn nữa”.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.