NÊN CHĂNG TỰ DO HÓA THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU GẠO?

2023-08-29 14:40:21

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/08/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Nghị định là bước tiến mới của thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo và công tác điều hành xuất khẩu theo hướng mở, xây dựng thể chế kiến tạo, minh bạch với nhiều điểm mới như: bãi bỏ nhiều thủ tục, quy định rườm rà; xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo; quán triệt yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo...

Cần một chế tài và khung pháp lý đủ mạnh

Ngày 05/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo; trong đó cần quy định chặt chẽ, cụ thể, khả thi về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, chất lượng lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu,...

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực thi, Nghị định 107 cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần phải được xem xét, sửa đổi. Điều này nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đủ mạnh để khắc phục các tồn tại, bất cập phát sinh; định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu, nhập khẩu gạo bảo đảm mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững và ổn định, đáp ứng yêu cầu thị trường và tiến trình hội nhập quốc tế về kinh tế.

Vẫn còn những điều kiện kinh doanh làm khó doanh nghiệp

Vẫn còn những điều kiện kinh doanh làm khó doanh nghiệp xuất khẩu gạo (ảnh Internet).

Nhiều doanh nghiệp phản ánh chi phí và thời gian đi lại để nộp hồ sơ và nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hiện còn khá lớn và mất thời gian, đặc biệt là với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nằm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, việc kiểm tra đủ điều kiện về kho và máy xay xát vẫn do các Sở Công Thương thường xuyên thực hiện. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị cần điều chỉnh quy định theo hướng giao thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho UBND cấp tỉnh hoặc Sở Công Thương. Sở Công Thương sẽ chịu trách nhiệm báo cáo về việc cấp phép cho Bộ Công Thương và doanh nghiệp vẫn phải báo cáo hoạt động đối với Bộ Công Thương theo định kỳ.

Hơn nữa, Điều 6.5 của Nghị định 107 quy định thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là 05 năm. Sau mỗi 05 năm, doanh nghiệp phải xin cấp Giấy chứng nhận mới với thủ tục chứng minh đủ điều kiện kinh doanh tương tự như lần đầu. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 107 và phản ánh của các doanh nghiệp, Sở Công Thương các địa phương vẫn thường xuyên kiểm tra định kỳ doanh nghiệp về việc đáp ứng điều kiện kinh doanh (kho và cơ sở xay xát) và kịp thời phát hiện, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện. Do đã có việc kiểm tra đáp ứng điều kiện thường xuyên, nên việc yêu cầu doanh nghiệp phải xin cấp Giấy chứng nhận mới sau mỗi 05 năm là không cần thiết và mất thời gian.

Ảnh minh họa. Internet

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), so với quy định của Nghị định 109/2010/NĐ-CP, Nghị định 107/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định về quy mô kho chứa (5000 tấn thóc) và công suất cơ sở xay, xát (10 tấn/h). Nghị định 107 chỉ còn yêu cầu doanh nghiệp phải có kho và cơ sở xay, xát phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Từ khi Nghị định 107 ra đời, người nông dân có thêm sự lựa chọn khi tiêu thụ lúa gạo mình làm ra, giảm tình trạng bị ép giá. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã phát hiện và thâm nhập các thị trường khó tính mà trước đây gạo của Việt Nam rất khó tiếp cận.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, để có thể đáp ứng được Quy chuẩn kỹ thuật về kho và cơ sở xay, xát thóc gạo tại Thông tư 12/2013/TT- BNNPTNT, doanh nghiệp vẫn cần có chi phí đầu tư lớn, kể cả trong trường hợp đi thuê. Thông tư 12 vẫn yêu cầu nhiều điều kiện mang tính quy mô như dung tích của silo chứa gạo, công suất của máy xay xát 10 tấn/h và nhiều yêu cầu khác. Các điều kiện này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo số lượng lớn nhưng rất khó đáp ứng đối với doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng thâm nhập các thị trường mới.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất năng động trong việc tìm kiếm các thị trường mới, khó tính trên thế giới. Hơn nữa, khách hàng tại các thị trường này thường có nhu cầu tìm kiếm nhiều loại nông sản cùng một lúc, chứ không chỉ riêng mặt hàng gạo. Các doanh nghiệp này vẫn không thể đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cao như trên mà buộc phải uỷ thác xuất khẩu cho doanh nghiệp đủ điều kiện. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mức phí uỷ thác xuất khẩu hiện khoảng 01 đến 05 đô la mỗi tấn hàng. Nói cách khác, các doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đang có quyền cho thuê Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh để được hưởng mức phí này. Vô hình trung, các quy định về điều kiện xuất khẩu gạo đang khiến hạt gạo của Việt Nam trở nên đắt hơn, khó xuất khẩu hơn.

Tiến tới tự do hóa thị trường xuất khẩu gạo

Mặc dù Dự thảo mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với doanh nghiệp quản lý nhập khẩu gạo, ủy thác xuất khẩu gạo; bổ sung quy định về: kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, chế tài thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh đối với doanh nghiệp không thực hiện chế độ báo cáo trong thời gian quy định; đề xuất xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật về xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, văn bản hướng dẫn xác định gạo vi chất dinh dưỡng… ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo và quản lý nhập khẩu gạo; nhưng theo VCCI, về lâu dài cơ quan quản lý cần tiếp tục “nới” các điều kiện đầu tư kinh doanh liên quan đến xuất khẩu gạo, tiến tới tự do hóa thị trường; việc dự trữ gạo bắt buộc nên được thực hiện theo cơ chế thị trường thay vì biện pháp hành chính như hiện nay./.

PHAN DUY HÙNG (Chi nhánh VCCI Nghệ An)