Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể giảm, do đó các doanh nghiệp cần nắm rõ, áp dụng linh hoạt, trung thực các quy tắc xuất xứ của các FTA và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước…
>> Ngành thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023?
Đó là chia sẻ của ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam tới Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo ông Hòe, ngoài những khó khăn từ tình hình lạm phát gia tăng toàn cầu ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ, thì ngành thủy sản sẽ phải đối mặt thêm với một số khó khăn như thiếu hụt nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng và khai thác cho sản xuất xuất khẩu và khó tiếp cận nguồn vốn vay.
-Thưa ông, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam lần đầu tiên chạm mốc 11 tỷ USD, ông có thể chia sẻ về những thuận lợi làm nên kết quả này?
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam lần đầu chạm mốc 11 tỷ USD, đây là những nỗ lực không ngừng nghỉ của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng thủy sản, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước.
Tuy nhiên nhìn vào tình hình xuất khẩu thủy sản chung của cả năm, chúng ta thấy rằng con số xuất khẩu 11 tỷ USD là do lũy kế của sự tăng trưởng trong những quý đầu năm 2022. Với sự thiếu hụt nguồn hàng từ năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID -19, vận chuyển khó khăn và sự bắt đầu của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ và tạo ra tâm lý lo sợ thiếu hụt, đứt gãy nguồn hàng. Tất cả những những nguyên nhân trên đã tạo lên làn sóng khiến các nhà nhập khẩu tăng cường mua hàng và dự trữ hàng hóa. Vì vậy trong quý I, II năm 2022 xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã được hưởng lợi, giúp tăng trưởng kỷ lục với tất cả các sản phẩm thủy sản đều tăng trưởng 2 con số bình quân từ 18-77%, các thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam cũng tăng trưởng từ 15-75% (trừ Anh và Nga).
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bắt đầu có dấu hiệu chững lại do sức mua giảm, hàng tồn kho nhiều, lãi suất tăng, tỷ giá biến động từ đầu tháng 7 và bắt đầu giảm dần qua các tháng tiếp theo, đặc biệt là tại thị trường Mỹ.
Tuy nhiên với kết quả xuất khẩu đạt 11 tỷ USD, ngoài những chính sách kịp thời giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất xuất khẩu của Chính phủ, thì đó là nhờ vào sự nhạy bén và có chuẩn bị của các doanh nghiệp thủy sản. Các doanh nghiệp đã nắm bắt được nhu cầu thị trường và chủ động trong việc đầu tư dự trữ nguồn nguyên liệu, sẵn sàng cho các đơn hàng lớn và dài hạn.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể về dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2023, thưa ông?
Trong năm 2023, nền kinh tế thế giới tiếp tục bị suy thoái và lạm phát ngấm sâu vào từng thị trường và ảnh hưởng đến tất cả các mặt hàng, trong đó có thủy sản. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2023 sẽ giảm mạnh trong những quý đầu năm, dự kiến xuất khẩu thủy sản chỉ có thể phục hồi vào nữa cuối năm 2023.
Ngoài những khó khăn từ tình hình lạm phát gia tăng toàn cầu làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản, thì ngành thủy sản sẽ phải đối mặt thêm một số khó khăn như thiếu hụt nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng và khai thác cho sản xuất xuất khẩu, khó tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất tăng cao,… Do đó, dự báo năm 2023 xuất khẩu thủy sản có thể giảm nhẹ còn khoảng xấp xỉ 10 tỷ USD.
>> Doanh nghiệp thuỷ sản thiếu vốn
- Để giúp doanh nghiệp được hưởng lợi ích từ các Hiệp định Thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh trong năm 2023, ông có những kiến nghị gì?
Để tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định FTA như thuế xuất nhập khẩu, các cơ hội khác và tránh những rủi ro, hạn chế những bất lợi do những thách thức mang lại, trước hết các doanh nghiệp thủy sản cần nắm rõ, áp dụng linh hoạt, trung thực các quy tắc xuất xứ của các FTA; Tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, cũng như tại các nước đối tác trong FTA.
Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan (hiện nay tỷ lệ tận dụng chưa cao), doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, trách nhiệm xã hội và các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.
Để có đơn hàng các doanh nghiệp cần tăng sức cạnh tranh và chủ động đáp ứng các quy định của thị trường. Ngoài việc tự nâng cao năng lực quản lý, thay đổi phương thức sản xuất theo xu hướng người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu của thị trường, thì các doanh nghiệp rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ. Đặc biệt là về vấn đề cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là với các nhóm giải pháp thúc đẩy cải cách thể chế phù hợp thông lệ quốc tế khi Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Mặt khác nhằm tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam, thì tự thân các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài cho kế hoạch trung và dài hạn, đổi mới công nghệ, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu, hướng đến phát triển hình ảnh và xây dựng thương hiệu quốc gia cho toàn ngành. Trong đó là chủ động thay đối phương thức sản xuất và kinh doanh theo xu hướng xanh trong cả chuỗi sản xuất thủy sản.
Xin cảm ơn ông!
Ngu ồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...