Ngày 17/11, trả lời trực tiếp cử tri tại Cần Thơ, Thủ tướng đã đề cập đến vấn đề liên quan thị trường tài chính và đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết...
>>> Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị trước hơn 300 cử tri đại điện cho người dân huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều, quận Cái Răng và các chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời nhiều vấn đề quan trọng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV. (Ảnh: Việt Bắc)
Thủ tướng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và việc lập các quy hoạch còn chậm. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Thu hút FDI gặp nhiều khó khăn…
Nhìn lại thị trường vốn, trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đóng băng cứng suốt một tháng qua ở chiều không phát hành mới, không người mua mới với chỉ ngoại lệ 1 công ty duy nhất huy động nợ.
Thế nhưng ở chiều khác, trạng thái “dung nham” đang diễn ra khi doanh nghiệp ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn. Tất nhiên không phải vì họ dư tiền, thừa thanh khoản, có nhu cầu mua lại để giảm chi phí, giảm nợ, mà là phải mua lại theo yêu cầu của người sở hữu trái phiếu, theo quy định của Nghị định 65, và đâu đó có cả nỗi sợ “dẫn chiếu” của những trường hợp đang bị điều tra vì sai phạm trong phát hành trái phiếu.
Việc thị trường phát triển lệch lạc, các chủ thể tham gia tất yếu phải chịu trách nhiệm trong quan hệ người mua - người bán: Doanh nghiệp tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm; Người góp vốn đầu tư lãi thì được hưởng, rủi ro ráng chịu. Nguyên tắc này không có gì sai, hoàn toàn theo thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam - theo thông cáo mới đây của Bộ Tài chính.
Thế nhưng (một lần nữa), thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại đang ở một khúc ngoặt, đường cua quá gấp có thể khiến nhiều doanh nghiệp ngã xe, đổ rạp. Doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại và tìm phương án trả nợ, tất nhiên. Nhà đầu tư, người dân phải có tìm được phương thức đối thoại với doanh nghiệp. Điều quan trọng là: Nếu hàng loạt doanh nghiệp không cơ cấu lại, tìm được phương thức trả nợ cho nhà đầu tư, đối thoại bất thành không chỉ ở một vài trường hợp đơn lẻ, vỡ nợ có thể domino? Thị trường bất động sản, kéo theo hơn 40 ngành, lĩnh vực sẽ ra sao? Bao nhiêu người dân chịu nạn và mất gia sản chỉ vì đầu tư thiếu hiểu biết với sự tiếp tay phân phối của những trung gian mà cơ quan quản lý vốn dĩ đã quản lý theo phương thức cảnh báo với 17 văn bản ở thời gian qua?
>>> Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Trả về thực chất
Trái phiếu doanh nghiệp không hẳn chỉ là hệ lụy hay câu chuyện của riêng một vài doanh nghiệp bất động sản. Vì sao các doanh nghiệp vốn dĩ không cần tài sản đảm bảo, vốn dĩ là “bảo chứng niềm tin” như các ngân hàng, ngoài ra là các công ty sản xuất, năng lượng, dịch vụ… cũng phải đã, đang, sẽ phải thu xếp mua lại trái phiếu trước hạn? Và vì sao sau một thời gian để mặc thị trường thu xếp, Trung Quốc đã phải chi quỹ hơn 30 tỷ USD giải cứu - mua trái phiếu doanh nghiệp trực tiếp như quyết định gần nhất?
Thị trường tài sản đang được điều chỉnh để hướng đến hoạt động an toàn, lành mạnh. (Ảnh minh họa)
Một thị trường để lấy lại niềm tin, ngay lúc này, khó có thể chỉ viện dẫn các cảnh báo. Cũng chính vì vậy, nhà đầu tư, người dân đang vô cùng mong ngóng những giải pháp, chính sách, thông điệp ổn định thị trường.
Những thông điệp của Thủ tướng tại buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ vì vậy, càng được người dân trông chờ.
Thủ tướng đã nêu rõ, tạo hành lang pháp lý, quản lý Nhà nước chặt chẽ, kịp thời hơn, tăng cường giám sát, kiểm tra, đề phòng sai phạm để làm sao cho các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản hoạt động an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch, phát triển bền vững, hiệu quả.
Đồng thời, khuyến khích các thị trường phát triển theo đúng quy luật thị trường, đúng pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư, của nhân dân trong bất cứ trường hợp nào theo quy định của pháp luật. "Xử lý người làm sai để bảo vệ người làm đúng".
Thủ tướng cũng cho biết về các giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn như đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh hợp tác công tư, hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước (hiện đang nắm giữ gần 4 triệu tỷ đồng). Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, hiệu quả, kết hợp với chính sách tài khoá và các chính sách khác một cách chặt chẽ, hợp lý, an toàn, hiệu quả.
Thủ tướng cho biết, đang chỉ đạo ngành ngân hàng, tài chính có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, sửa các quy định không phù hợp, cắt giảm thủ tục hành chính; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi. Miễn, giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Nghiên cứu việc nới room tín dụng hợp lý để vừa bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng.
"Các chính sách phải được phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ, cái này hỗ trợ cái kia", Thủ tướng nói. Tình hình thế giới biến đổi khó lường, nền kinh tế có độ mở cao, sức chống chịu có hạn nên các chính sách phải thận trọng, linh hoạt, hiệu quả, không cứng nhắc, không điều hành giật cục.
Cùng với việc giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp thì điều hành chính sách để đưa tiền vào hay rút tiền ra khỏi thị trường một cách phù hợp, làm sao đồng tiền đưa ra đúng, trúng vào động lực tăng trưởng: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Các chính sách phải phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa bảo đảm tỷ giá, lãi suất hợp lý để doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Liên quan đến khó khăn của khối doanh nghiệp bất động sản, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã chính thức được thành lập với nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...