Cơ hội mới trong hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN

2023-01-29 09:17:57

Các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp lữ hành ngày càng lớn mạnh về số lượng, đa dạng về loại hình, cải thiện chất lượng, phù hợp với trình độ phát triển và nhu cầu trong khu vực ASEAN.

>> Du lịch nông nghiệp tạo sinh khí mới trong năm 2023

Theo Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025, tầm nhìn Đông Nam Á là trở thành “điểm đến du lịch chất lượng”, mang đến trải nghiệm độc đáo và đa dạng, đồng thời cam kết phát triển du lịch bền vững. Đây là yếu tố then chốt mới nổi giúp các điểm đến duy trì, xây dựng danh tiếng và thương hiệu cạnh tranh, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa cộng đồng địa phương, du khách và các bên liên quan khác.

Thách thức đặt ra cho du lịch Việt Nam là xây dựng danh tiếng và thương hiệu cạnh tranh trong khu vực

Tầm nhìn AEC 2025 về du lịch là đưa ASEAN trở thành điểm đến với dịch vụ du lịch có chất lượng và ASEAN thống nhất trong đa dạng, cam kết phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững và toàn diện, nhằm góp phần đáng kể vào phúc lợi kinh tế xã hội của người dân ASEAN. Các định hướng chiến lược và các chương trình hành động được đề xuất giải quyết các thách thức cốt lõi đang đối mặt về phát triển bền vững du lịch chất lượng và hội nhập trong Hiệp định ASEAN (AMS): tạo ra sự cân bằng tốt hơn trong phân phối lợi ích của du lịch giữa AMS, giảm các mối quan tâm về an toàn và an ninh, làm cho các hình thức qua biên giới phù hợp hơn và tiết kiệm hơn, giảm tắc nghẽn về giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng nơi đến.

Gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới thông qua nét đẹp văn hóa bản địa

Qua quá trình hợp tác lâu dài cũng như những kết quả và lợi ích mang lại, có thể khẳng định rằng ASEAN cũng như AEC có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Du lịch Việt Nam. Với dân số hơn 500 triệu dân, trong những năm qua, các thị trường nguồn du lịch thuộc khu vực ASEAN đóng góp khoảng 20% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Một số nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia vừa là thị trường nguồn, vừa đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. AEC đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện yêu cầu “gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới” như Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra.

Lấy cộng đồng địa phương làm dấu ấn và tham gia vào chuỗi giá trị du lịch của nơi đến

Trong đó, tăng cường quảng bá các sản phẩm du lịch ASEAN và thu hút đầu tư vào du lịch. Đồng thời, nâng cao năng lực và nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch. Lấy cộng đồng địa phương và sự tham gia của khu vực công - tư trong chuỗi giá trị du lịch là chủ đạo ở mức độ nơi đến.

Trong nỗ lực tập thể nhằm hiện thực hóa tầm nhìn này, các bộ trưởng Du lịch ASEAN đã thông qua Khung phát triển du lịch bền vững giai đoạn hậu COVID-19 với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA). Văn kiện trên xác định các lĩnh vực trọng tâm và tìm cách tận dụng các công việc đang được ngành du lịch và các ngành liên quan khác của Cộng đồng ASEAN triển khai, đặc biệt là trong khoảng thời gian trước và sau năm 2025.

>> Từ tư duy đến hành động

Ông Bùi Tường Lân – Phó Chủ tịch thường trực Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN nhận định: Việc quan trọng nhất chính là thiếu hiểu biết về văn hóa và luật pháp các nước. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc kết nối giao thương gặp khó khăn. Mới đây, Bộ Thông tin Truyền thông đã xem xét chấp thuận thành lập một trang thông tin văn hóa ASEAN. Tại đây, các lễ hội, sự kiện văn hóa, địa điểm du lịch… của các nước được thể hiện rất cụ thể để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và tiếp cận văn hóa, luật pháp các nước”.

Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch Việt thông qua các lễ hội, hội nghị, hội thảo với các nước trong ASEAN

Trước những cơ hội và thách thức mới trong cộng đồng các nước ASEAN, các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp lữ hành ngày càng lớn mạnh về số lượng, đa dạng về loại hình, cải thiện chất lượng, phù hợp với trình độ phát triển và nhu cầu trong khu vực ASEAN, một số doanh nghiệp lớn đã từng bước khẳng định được thương hiệu trong khu vực trên cơ sở sự đa dạng của sản phẩm và đảm bảo về chất lượng. Các cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) được đầu tư phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình dịch vụ, chất lượng được nâng lên tầm khu vực ở nhiều phân khúc đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn chung của sản phẩm du lịch ASEAN và Việt Nam nói riêng.

Tăng cường thu hút đầu tư vào các lĩnh vực lữ hành, hàng không, nhà hàng và khách sạn

Năng lực cạnh tranh trong khu vực của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng được nâng lên trên cơ sở sự liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo mô hình Lữ hành - Hàng không - Khách sạn. Các loại hình doanh nghiệp khác tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch như vận chuyển (hàng không, đường bộ, đường biển, đường thủy), nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí… ngày một gia tăng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu kết nối giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN cũng như góp phần đảm bảo năng lực cung ứng dịch vụ du lịch và gia tăng tính hấp dẫn, đa dạng của sản phẩm, dịch vụ du lịch khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Du lịch Việt Nam 2023 có cơ hội bùng nổ trở lại với những sản phẩm du lịch mới chất lượng hơn

Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel nhận định: “Bước sang năm 2023, ngành du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp lữ hành, tổ chức sự kiện, lưu trú ăn uống nói riêng sẽ có cơ hội bùng nổ, phát triển trở lại. Ngành du lịch có thể sớm quay lại đà tăng trưởng như năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch xảy ra”.

ASEAN+3 là một cơ chế hợp tác bao gồm các thành viên hiện tại của ASEAN và ba nước Đông Á gồm các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo ông Nghĩa: "Chúng ta sắp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản vì thế có thể kỳ vọng du khách từ nước này sẽ tới Việt Nam nhiều hơn. Bên cạnh đó, vừa qua Trung Quốc đã thông báo mở cửa biên giới sau 3 năm đóng cửa nên lượng khách sang Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh".

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.