Cần chính sách đào tạo lao động theo nhu cầu doanh nghiệp

2022-12-02 14:54:00

Chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần ưu đãi cho các doanh nghiệp hợp tác và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ví dụ như ưu đãi về thuế.

>>> Doanh nghiệp dệt may “co kéo” để giữ lao động

Tại “Hội nghị Người sử dụng lao động 2022: Tăng cường công tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng những điều kiện "khắt khe" và thủ tục hành chính "rườm rà" khiến doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

“Hội nghị Người sử dụng lao động 2022: Tăng cường công tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp” do VCCI tổ chức chiều ngày 2/12 tại Hà Nội.

Nói như TS.Abla Safir, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng thế giới (WB): “Mặc dù đã có các chính sách hỗ trợ nhưng yêu cầu vẫn phức tạp, thiếu hướng dẫn cho doanh nghiệp”.

Do đó, WB khuyến nghị cần đơn giản hoá quy trình, tăng cường nhận thức về các văn bản chính sách hỗ trợ. Tạo động lực cho cả doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, tạo mối liên kết hợp tác giữa các bên phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Từ các bài học của các quốc gia khác, từ góc độ của mình, WB khuyến nghị: “Cần có quỹ đào tạo nghề vận hành hiệu quả. Theo đó, mô hình hệ thống đào tạo hướng tới thị trường cạnh tranh. Tạo sân chơi bình đẳng cho lao động và doanh nghiệp, tạo thực tiễn tốt nhất để doanh nghiệp và người lao động tiếp cận cơ sở đào tạo hiệu quả với chi phí tốt nhất”. Đại diện WB đặc biệt lưu ý tới việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

TS.Abla Safir, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng thế giới (WB).

Khuyến nghị việc tăng cường đào tạo và thiết kế chương trình đào tạo cần xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, VCCI cho biết, thực hiện nhiệm vụ của VCCI đã được quy định tại Điều 7 Luật Giáo dục nghề nghiệp cụ quy định VCCI, hiệp hội doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo nghề nghiệp; tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện quyền và trách nhiệm trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp nên trong những năm vừa qua VCCI đã tham gia chặt chẽ với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, các Đề án phát triển giáo dục nghề nghiệp, Đề án nâng tầm kỹ năng nghề cũng như một số hoạt động hỗ trợ cụ thể ở cấp địa phương và doanh nghiệp.

“Hiện nay VCCI đang hỗ trợ Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện thí điểm chương trình đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, xây dựng tài liệu đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp nghề sửa chữa Thân vỏ và Sơn ô tô. Để xây dựng bộ tài liệu về chương trình đào tạo cho 02 nghề này trước hết cần xác định hiện trạng và vấn đề về nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành Công nghệ ô tô để từ đó lựa chọn ra các vị trí việc làm mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới từ đó xây dựng chương trình đào tạo cho phù hợp”, ”, bà Minh cho biết.

>>> Doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo lao động

>>> Nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp qua tuân thủ pháp luật lao động

Chia sẻ kinh nghiệm gắn kết doanh nghiệp với đào tạo nghề từ nước Đức, bà Afsana Rezaie, Phó Giám đốc chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam cho biết, không chỉ Việt Nam, nhiều nhà tuyển dụng trên khắp thế giới đều cho biết ứng viên mà họ tuyển được không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Chuyên gia cho rằng Việt Nam cần ưu đãi cho các doanh nghiệp hợp tác và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

“Trong khi đó, về công tác đào tạo lao động, tại Việt Nam, chỉ 8% doanh nghiệp có sự hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong vấn đề này. Phần lớn các loại hình đào tạo mà doanh nghiệp cung cấp cho nhân viên chỉ là những đào tạo cơ bản ở giai đoạn đầu gia nhập doanh nghiệp”, bà Afsana Rezaie cho biết.

Trong khi đó, tại Đức hệ thống giáo dục nghề nghiệp kép có sự tham gia của các bên là Chính phủ, Liên đoàn Lao động, Hiệp hội doanh nghiệp, phòng Thương mại và đối tác xã hội.

Từ kinh nghiệm các quốc gia, Phó Giám đốc chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam khuyến nghị thành lập Hội đồng kỹ năng ở nhiều cấp độ khác nhau gồm sự tham gia của các cơ quan quốc gia, địa phương, VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp, công đoàn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với vai trò là cơ quan tư vấn.

Bà Afsana Rezaie kiến nghị cần ưu đãi cho các doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo lao động.

“Chúng tôi khuyến nghị mô hình nhiều cấp cùng phối hợp ở Hội đồng kỹ năng”, bà Afsana Rezaie nhấn mạnh.

Đặc biệt, Phó Giám đốc chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam khuyến nghị, cần ưu đãi cho các doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo lao động.

“Theo đó, ưu đãi cho các doanh nghiệp hợp tác, ví dụ như ưu đãi về thuế hoặc đưa ra thuế giáo dục nghề nghiệp cho các doanh nghiệp không đầu tư vào đào tạo. Khuyến khích các trường cao đẳng đủ điều kiện triển khai các khoá đào tạo dành cho đào tạo viên doanh nghiệp”, bà Afsana Rezaie khuyến nghị.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.