Để đưa nền kinh tế trở lại với quỹ đạo, vực dậy cộng đồng doanh nghiệp sau những tác động tiêu cực, theo chuyên gia, cần “làm mới” các động lực cải cách, đưa cải cách đi vào thực chất.\
Theo Tổng cục Thống kê , tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có 41,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động , tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng có hơn 20,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 63 nghìn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có gần 31,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam được cho vẫn còn đó nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức trong hai tháng đầu năm 2024 - Ảnh minh họa
Những con số kể trên cho thấy, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn còn đó nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức, nhất là sau mấy năm COVID-19 và suy giảm kinh tế.
Nhận định về “sức khỏe” doanh nghiệp, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, thông thường số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thời điểm đầu năm thường thấp hơn so với các tháng giữa năm và cuối năm do rơi vào các tháng Tết có số ngày nghỉ dài.
Dù thấp hơn các giai đoạn khác song số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui. Vì vậy, hiện tượng doanh nghiệp rút lui cao đột biến hơn cả doanh nghiệp gia nhập thị trường, đây là xu hướng đi ngược so với trước.
Không ít ý kiến cho rằng, để trợ lực cho doanh nghiệp, đưa nền kinh tế trở lại với quỹ đạo tăng trưởng cao, cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng - Ảnh minh họa
Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, đây là tín hiệu doanh nghiệp ngày càng suy kiệt sức khỏe sau một thời gian phải cố gắng duy trì vượt khó bởi đại dịch COVID-19 và các thách thức từ bên ngoài. Vì vậy, những khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây doanh nghiệp trong năm 2024.
Thực tế, thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện nay, Việt Nam có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, chủ yếu có quy mô nhỏ bé, với gần 98% là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Thời gian qua, các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh COVID-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa, chính trị thế giới. Do đó, với “sức khoẻ” còn yếu thì các doanh nghiệp khó có thể hấp thụ được nguồn vốn.
Từ đó, không ít ý kiến cho rằng, để trợ lực cho doanh nghiệp, đưa nền kinh tế trở lại với quỹ đạo tăng trưởng cao, cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng. Theo đó, cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước…
Nhằm khôi phục lại chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời tạo áp lực và khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương, ngày 5/01/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc ban hành Nghị quyết này là rất cần thiết nhằm khôi phục niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường đầu tư kinh doanh, tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả thực thi, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì chỉ hô hào, cần những hành động thực chất và quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, thông thoáng để các doanh nghiệp có thể vận dụng năng lực khả năng của mình để đạt được hiệu quả cao trong hoạt động. Cùng với đó, thúc đẩy, tạo lập được không khí thực thi tốt hơn nữa ở nhiều cấp, đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm sốc lại tinh thần, không khí phát triển ở nhiều địa phương.
“Việc xử lý thủ tục cải cách hành chính trong thời gian tới để đáp ứng được nguyện vọng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp thì ngay trong các cơ quan xử lý phải cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ ngay trong nội bộ của các cơ quan mình. Cần tránh hình thức hóa khi thực hiện trong việc giải quyết những công việc, tránh tối đa việc tiếp nhận yêu cầu thì bằng điện tử, nhưng mà xử lý giải quyết bằng quy trình thông thường… như vậy, sẽ gây những ảnh hưởng trong quá trình thực thi nhiệm vụ”, ông Hoàng Quang Phòng bày tỏ.
Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...