Nhiều áp lực trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần nguồn vốn để tái thiết hoạt động tuy nhiên thủ tục trong vay vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Thiếu vốn là tình hình chung và là nguyên nhân khiến doanh nghiệp “bó tay” dù có kế hoạch sản xuất.
Thủ tục vẫn là rào cản
Theo ghi nhận của các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang đối mặt với nhiều khó khăn gay gắt, sức khỏe của nhiều doanh nghiệp đã bị hao mòn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã kiệt sức, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.
Tại một sự kiện về chính sách vốn mới đây, ông Trần Minh Dõng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Điện tử và Tin học Đà Nẵng Viettronimex cho hay khả năng tiếp cận vốn với cộng đồng DNNVV tại Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn. Theo vị này, thủ tục chính là điểm vướng lớn nhất để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
“Cần có chương trình hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tốt hơn, được thông tin về chính sách đầy đủ hơn”, ông Dõng đề xuất.
Cần đơn giản hóa thủ tục để cộng đồng DNNVV sớm tiếp cận được nguồn vốn vay tái thiết hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp , ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cho rằng thứ nhất là có gói giảm riêng cho DNNVV, bởi lẽ các hệ thống tài chính kế toán của DNNVV chưa thể bằng doanh nghiệp lớn. Thứ hai là tài sản thế chấp của doanh nghiệp đã thế chấp, nếu doanh nghiệp làm việc ổn định có thể xem xét mở rộng gói vay dựa trên tài sản thế chấp sẵn có.
“Thứ ba là quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, quỹ này nên dựa trên nền tảng sẵn có của doanh nghiệp chứ không nên yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp thì mới bảo lãnh. Cùng với đó trong khi kiểm tra hồ sơ tài chính của DNNVV, hiện nay doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ thì phía ngân hàng cũng cần có lộ trình giải bài toán đảm bảo tài chính để doanh nghiệp hướng tới”, ông Bình đề xuất.
Việc ông Dõng, ông Bình nói là có cơ sở và thời gian qua đã có nhiều đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn. Cụ thể, các phương án đề xuất đều liên quan đến việc giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay, xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp…
Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn thì giữa doanh nghiệp và ngân hàng cần tìm được “tiếng nói chung”. Dù cho Ngân hàng Nhà nước đã có điều chỉnh linh hoạt các gói tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn, giảm lãi vay, tạo điều kiện cho DNNVV nhưng phần lớn các phương án kinh doanh, chứng minh phục hồi,... của các doanh nghiệp hiện nay rất yếu. Từ đây, các ngân hàng không có cơ sở để cho vay mới và không thể mạo hiểm cho vay.
Liệu có đơn giản hóa cho DNVVV?
Ở góc độ quản lý vốn, bà Trần Thanh Thủy - Trưởng phòng Hỗ trợ doanh nghiệp - Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ KH&ĐT) cho hay các hoạt động hỗ trợ DNNVV của quỹ là cho vay trực tiếp, gián tiếp, tài trợ vốn và hỗ trợ tăng cường năng lực. Theo vị này, những đơn vị được cho vay là DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, tham gia chuỗi giá trị với lãi suất cho vay bằng 80% mức lãi suất thấp nhất của ngân hàng thương mại.
Theo đó, lãi suất cho vay hiện nay là 1,2%/năm (ngắn hạn) và 4,4%/năm (trung và dài hạn) và mức cho vay không quá 80% tổng vốn đầu tư của dự án. Trong đó, thời hạn cho vay không quá 7 năm và doanh nghiệp được miễn phí trả nợ trước hạn.
Trong khi đó, bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) thông tin Chính phủ liên tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Theo vị này, chính sách hiệu quả nhất có thể xem là miễn, giảm thuế.
Để tiếp cận nguồn vốn, tự các doanh nghiệp cũng phải tự hoàn thiện, tự tái cơ cấu, điều chỉnh lại bản thân.
“Tuy nhiên, một số chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn”, bà Hương nói.
Được biết, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26% tính đến ngày 25/3. Vì vậy, khi tín dụng có tín hiệu phục hồi, cần có giải pháp để tổ chức tín dụng và doanh nghiệp gặp được nhau nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Bắc Bình, quay lại tự các doanh nghiệp cũng phải tự hoàn thiện, tự tái cơ cấu, điều chỉnh lại bản thân. Hiện nay các ngân hàng vẫn đang hạ lãi suất nhưng DNNVV vẫn vay không được từ nhiều nguyên nhân từ đại dịch, khủng hoảng kinh tế, quy định của chính phủ về nồng độ cồn,... dẫn đến nhiều suy thoái.
“Từ đây, các ngân hàng sẽ có nhiều suy xét đến việc cho vay từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Và hiện nay đang trong giai đoạn hậu suy thoái, và lãi của ngân hàng đang giảm nên để tiếp cận được vốn vay cần đến từ 2 phía. Doanh nghiệp phải có lộ trình, tự điều chỉnh và trong khi làm việc với ngân hàng phải chứng minh để có niềm tin về lời nói của doanh nghiệp là thật”, ông Bình nói.
Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp