Sửa Luật Thủ đô: Cần cơ chế cụ thể cho phát triển giáo dục

2023-10-09 08:53:53

Để đảm bảo xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), theo chuyên gia, cần cơ chế cụ thể cho phát triển giáo dục…

Theo đó, với mục tiêu xây dựng TP. Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế, Điều 24 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ: Xây dựng và phát triển giáo dục, đào tạo Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao; cơ sở giáo dục có nhiều cấp học trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về quy mô đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, dịch vụ giáo dục và cơ chế quản lý phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô.

Đồng thời, đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô; ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi; không bố trí trường học gần nghĩa trang, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí; cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài…

Điều 24 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về việc phát triển giáo dục cho TP. Hà Nội - Ảnh minh họa: ITN

Góp ý về quy định đã nêu, một số ý kiến cho rằng, để có thể phát triển giáo dục theo mục tiêu kỳ vọng, cần tạo cơ chế bằng các quy định cụ thể hơn.

Theo PGS.TS Chu Hồng Thanh - Đại học Quốc gia Hà Nội, quy định tại Điều 24 mang tính khẩu hiệu hoặc Nghị quyết, chủ trương, kêu gọi chung, chưa có tính quy phạm của văn bản Luật; vẫn là quy định chung chung có thể thực hiện trong toàn quốc. Mặc dù có nhắc đến từ “Thủ đô” hoặc “Hà Nội”, nhưng quy định chưa thể hiện được tính đặc thù của Thủ đô, cũng chưa thể hiện được vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt của giáo dục trong sự phát triển của Thủ đô.

“Để có thể viết về giáo dục trong Luật Thủ đô, cần bám sát các yêu cầu, quan điểm trong nghị quyết của Đảng về giáo dục và trong các Quy định của Hiến pháp 2013, phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển giáo dục Thủ đô”, PGS.TS Chu Hồng Thanh nhấn mạnh.

Từ đó, vị chuyên gia này đề xuất, trong Luật Thủ đô cần ghi nhận rõ 6 nội dung như những nguyên tắc pháp lý căn bản cho phát triển giáo dục Thủ đô, gồm:

Thứ nhất , Luật Thủ đô cần coi phát triển giáo dục là ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách phát triển: ưu tiên trong đầu tư phát triển giáo dục. Tất cả các dự án đầu tư đều phải chú ý hàng đầu đến phát triển giáo dục ngay trong dự án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nâng cao văn hóa và dân trí của Thủ đô, đào tạo nguồn nhân lực của Thủ đô, bồi dưỡng nhân tài Thủ đô.

Theo chuyên gia, quy định tại Điều 24 mang tính khẩu hiệu hoặc Nghị quyết, chủ trương, kêu gọi chung, chưa có tính quy phạm của văn bản Luật - Ảnh minh họa: ITN

Thứ hai , hình thành và phát triển cân đối hệ thống giáo dục Thủ đô trong hệ thống giáo dục quốc dân với tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, bảo đảm chất lượng giáo dục ngày càng cao đối với mọi hình thức học tập, giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi công dân thủ đô.

Thứ ba , bảo đảm công bằng và không phân biệt đối xử trong giáo dục. Sự phân biệt giữa “Công lập” và “Tư thục” chỉ khác nhau duy nhất ở nguồn đầu tư . Người học và người dạy ở công lập hay tư thục đều có cơ hội như nhau để được hưởng nền giáo dục khai phóng, để tìm kiếm tri thức và nâng cao kiến thức, để rèn luyện kỹ năng và thái độ…

Thứ tư , học tập là quyền con người, là quyền của công dân Thủ đô, đặc biệt đó là quyền của trẻ em. Nhà nước nói chung và chính quyền Thủ đô cần tôn trọng, ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm quyền này theo đúng quy định tại khoản 1 điều 14 Hiến pháp 2013. Luật Thủ đô cần xác định rõ quyền học tập của công dân và của trẻ em Thủ đô để có lộ trình thích hợp mở rộng việc hưởng thụ quyền này trong cộng đồng dân cư Thủ đô.

Thứ năm , cần quy định rõ lộ trình miễn giảm học phí, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn học phí cho học sinh, sinh viên trong toàn bộ hệ thống giáo dục Thủ đô như nhiều nước đã làm. Cả về lý thuyết và thực tiễn, học phí về bản chất là một loại thuế, lứa tuổi học sinh sinh viên chưa phải là lứa tuổi lao động vì vậy không phải nộp “thuế”…

Thứ sáu , để phát triển chất lượng giáo dục Thủ đô thì Luật Thủ đô cần đặc biệt quan tâm đến nhà giáo, bởi vì “Nhà giáo có vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục” như Luật giáo dục đã xác định. Việc quan tâm đến nhà giáo không những chỉ là quan tâm đến chế độ lương bổng và đời sống vật chất mà còn quan tâm tạo điều kiện phát triển chuyên môn, môi trường làm việc trí tuệ, tính chất lao động tự do sáng tạo, tự do học thuật, tôn vinh giá trị của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội, chống hành chính hóa (viên chức hóa) nhà giáo.

Còn theo GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Luật sửa đổi cần làm rõ, Hà Nội được phép xây dựng hệ thống trường học quy chuẩn theo thông lệ quốc tế và có cơ chế đầu tư phù hợp; được quyền đào tạo, tuyển dụng đội ngũ giáo viên theo yêu cầu của địa phương theo cơ chế riêng; được quyền sắp xếp lịch học phù hợp. Đồng thời, cũng cần được phép tạo sự liên thông, liên kết với hệ thống giáo dục khu vực và quốc tế và được phép điều chỉnh chương trình phù hợp theo thông lệ quốc tế ở mức độ cơ bản; được phép ký kết đào tạo đội ngũ không chỉ trong nước mà cả với các đối tác quốc tế…

“Bên cạnh đó, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng cần có chính sách ưu tiên hơn nữa cho các đơn vị đầu tư giáo dục về mặt bằng, về đất đai, về thuế; ưu tiên đầu tư toàn diện cho giáo dục đại trà, cho các vùng nông thôn, miền núi, khu công nghiệp; thực hiện xã hội hóa nhằm đáp ứng cho các đối tượng người học khác nhau…”, GS.TS Nguyễn Văn Minh góp ý.

Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp