Hưởng lợi từ đầu tư công, doanh nghiệp ngành xây dựng hạ tầng làm ăn ra sao?

2024-03-26 08:16:54

Đầu tư công được thúc đẩy kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều ngành nghề trong nền kinh tế, trong đó, xây dựng hạ tầng được đánh giá là ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất

Ngành xây dựng hạ tầng hưởng lợi lớn từ các dự án đầu tư công. (Trong ảnh: Công nhân đang thi công dự án Sân bay Quốc tế Long Thành - Ảnh: Ngân Giang).

Trong năm 2023, đầu tư công được đẩy mạnh ngay từ các tháng đầu năm. Giá trị giải ngân đầu tư công tính đến cuối tháng 12/2023 ước đạt gần 623.000 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và đạt 82% kế hoạch Thủ tướng giao. Giá trị giải ngân theo tháng trong năm 2023 đều ghi nhận tăng mạnh nếu so sánh giai đoạn 4 năm trở lại đây.

Bước sang năm 2024, kế hoạch giải ngân đầu tư công với số vốn ước tính khoảng 690.000 tỷ đồng và Chính phủ kỳ vọng giải ngân được 95% kế hoạch được giao. Đầu tư công được được xác định vẫn là động lực quan trọng giúp phát triển kinh tế khi mà hoạt động tiêu dùng, sản xuất, xuất khẩu và đầu tư trong nước năm 2023 hồi phục còn chậm.

Trong đó, lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các dự án cao tốc khác, đường vành đai 3 TP. HCM, đường vành đai 4 Hà Nội, sân bay Quốc tế Long Thành sẽ là những lĩnh vực trọng điểm và được phân bổ tỷ trọng lớn của ngồn vốn đầu tư công trong năm 2024.

Nỗ lực giải ngân đầu tư công của Chính phủ kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều ngành nghề, doanh nghiệp trong nền kinh tế như vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp và logistics. Đặc biệt là nhóm ngành xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ nỗ lực giải ngân đầu tư công trong năm 2024 của Chính phủ.

Trong bối cảnh giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng hạ tầng được hưởng lợi khi trúng thầu hàng loạt dự án đầu tư công nổi bật, khiến kết quả kinh doanh khởi sắc, với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.

Đứng đầu trong nhóm doanh nghiệp có doanh thu cao nhất trong ngành là Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HoSE: VCG) với doanh thu thuần đạt gần 12.705 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức doanh thu thuần cao nhất của doanh nghiệp này kể từ năm 2012.

Trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp, mảng xây lắp vẫn đóng vai trò chủ đạo, khi mang về gần 8.274 tỷ đồng, tương đương với chiếm 65% tổng doanh thu của doanh nghiệp. VCG cũng là doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất khi trúng thầu nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn.

Trong đó, phải kể đến là gói thầu 5.10, thi công nhà ga hành khách sân bay Quốc tế Long Thành, với giá trị hợp đồng trong liên doanh của VCG là gần 4.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng là đơn vị thực hiện gói thầu 4.6, gói thầu thi công đường băng cất và hạ cánh của sân bay Quốc tế Long Thành .

Ngoài ra, VCG còn thực hiện một số dự án đáng chú ý khác như 5 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 và 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2...

Trong khi đó, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (UpCOM: CC1) đạt gần 5.620 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước. Hoạt động xây dựng vẫn là doanh thu cốt lõi của doanh nghiệp với doanh thu đạt hơn 3.895 tỷ đồng, chiếm 69% tổng doanh thu. Lãi ròng đạt 245 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022.

Trong năm 2023, CC1 cũng trúng thầu nhiều dự án đầu tư công nổi bật như: Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang (liên doanh gồm Trường Sơn, G36, CC1, VNCN E&C và Tân Nam), với tổng giá trị 7.555 tỷ đồng; Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong 4.440 tỷ đồng (liên danh thực hiện gồm Xây dựng Trung Nam 18 E&C, CC1, Công ty TNHH Xây dựng Tự lập và Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung); Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột 1.467 tỷ đồng do liên doanh CC1 và Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam thực hiện.

Cũng hưởng lợi từ đầu tư công, trong năm 2023, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (HoSE: HHV) đạt gần 2.687 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 28% so với năm trước. Lãi ròng đạt gần 320 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, công ty được hưởng lợi lớn từ đầu tư công trong năm 2023 khi trúng thầu nhiều dự án lớn như cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có giá trị xây lắp hơn 14.400 tỷ đồng; cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo chuẩn bị vận hành trong quý II/2024 và các dự án đường ven biển qua các địa phương cũng giúp doanh thu xây lắp tăng trưởng mạnh.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp ngành xây dựng hạ tầng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2023 với số lỗ lên đến hàng trăm tỷ đồng như: Tổng Công ty CP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (UpCOM: VVN) lỗ ròng 437 tỷ đồng; Công ty CP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (UpCOM: PXS) lỗ 159 tỷ đồng; Công ty CP Sông Đà 6 (HNX: SD6) lỗ ròng 150 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Dua Fat (UpCOM: DFF) lỗ 124 tỷ đồng và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (UpCOM: PVX) thua lỗ 118 tỷ đồng...

Trong năm 2024, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm đã rất quyết liệt trong việc đẩy mạnh đầu tư công. Ngày 22/03/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Đây được xem là động lực thúc đẩy các bộ, ngành địa phương tăng tốc thực thi kế hoạch đầu tư công theo chỉ tiêu được giao. Các doanh nghiệp ngành xây dựng hạ tầng cũng sẽ được tiếp tục hưởng lợi trong thời gian tới.

Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp