Trước thực trạng kinh doanh ngành bia, rượu vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2024, các chuyên gia đề xuất nên lùi thời hạn tăng thuế và có thêm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.
Theo đó, năm 2023, ngành bia rượu trong nước đã phải chứng kiến lượng tiêu thụ sụt giảm chưa từng có. Quý IV/2023, tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận doanh thu 8.520 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 967 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 10% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức lợi nhuận quý thấp nhất của Công ty trong 2 năm qua. Luỹ kế cả năm 2023, Sabeco ghi nhận suy giảm 13% doanh thu (đạt 30.461 tỷ đồng) và 21% lợi nhuận sau thuế (đạt 4.118 tỷ đồng). So với kế hoạch, doanh nghiệp đầu ngành bia Việt Nam chỉ thực hiện được 76% chỉ tiêu doanh thu và 74% chỉ tiêu lợi nhuận.
Ngành bia rượu được cho đã trải qua năm 2023 đầy "sóng gió", lợi nhuận suy giảm - Ảnh minh họa: ITN
Tương tự, công ty cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương đạt doanh thu quý IV/2023 gần 27 tỷ đồng, tăng 16%, song vẫn báo lỗ hơn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 có lãi. Luỹ kế cả năm 2023, công ty lãi sau thuế 6 tỷ đồng, giảm gần 43% so với năm 2022.
Đáng chú ý, Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico) lỗ hơn 4 tỷ đồng trong quý IV/2023, nâng số lỗ cả năm 2023 lên gần 10 tỷ đồng. Như vậy, Halico thua lỗ 8 năm liên tiếp, số lỗ luỹ kế hiện tại là 457 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngành đồ uống có cồn đã trải qua một thời gian dài chịu tác động của đại dịch COVID-19 cũng như chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành và Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Điều này khiến toàn ngành đồ uống Việt Nam từ chỗ đóng góp cho ngân sách khoảng 60.000 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp, bỗng giảm tới 16% doanh thu, thị trường tiêu thụ giảm 20 - 30% trong năm 2020.
Ngoài ra, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng khiến giá nguyên liệu ngành đồ uống tăng phi mã, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành bị thiệt hại nặng nề.
Vì vậy, để hỗ trợ cho ngành bia rượu, các chuyên gia đề xuất, đề xuất nên lùi thời hạn tăng thuế và có thêm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN
Sắp tới, nếu Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó, có nội dung thay đổi phương pháp tính và điều chỉnh thuế suất với rượu và bia, được triển khai, VBA nhận định tình hình của các doanh nghiệp trong ngành sẽ càng khó khăn hơn vào năm 2024. Cùng với đó là xu hướng thắt chặt chi tiêu, sức mua cũng như sức cầu của người dân sẽ ngày một hạn chế với những mặt hàng không thiết yếu, mà điển hình là đồ uống không tốt cho sức khỏe như bia, rượu.
Trước thực trạng nêu trên, để tiếp sức cho ngành bia, các chuyên gia đề xuất nên lùi thời hạn tăng thuế và có thêm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.
Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBA, cho rằng một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đồ uống chính là cần tiếp tục lùi thời hạn tăng thuế, thời điểm này cần giữ ổn định chính sách thuế cho ngành đồ uống, đặc biệt là với doanh nghiệp sản xuất bia, rượu
"Việc đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn này là chưa phù hợp bởi sẽ làm các doanh nghiệp thêm khó khăn, người tiêu dùng giảm mua, doanh thu sẽ tiếp tục giảm và việc nộp ngân sách sẽ giảm theo, người lao động mất việc làm...", Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBA đánh giá.
Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Quang Huy, đại diện Khoa Tài chính - Ngân hàng thuộc Trường Đại học Nguyễn Trãi đề nghị chính sách thuế trên cơ sở nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể cân nhắc xem xét lùi thời hạn tăng thuế ở thời điểm phù hợp nhằm hỗ trợ ngành rượu, bia vượt qua khó khăn, sớm khôi phục sản xuất.
Bên cạnh đó, theo ông Huy, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Nhà nước cần có thêm các chính sách tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp phục hồi, yên tâm sản xuất, kinh doanh, từ đó sẽ có nguồn thu, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.
Mặt khác, ở góc độ doanh nghiệp cũng cần hoạch định lại chiến lược kinh doanh. Trong đó cần xem xét đến việc chuyển dịch sang sản xuất đồ uống không cồn để thích ứng bối cảnh kinh doanh trong tình hình mới, phù hợp với xu thế phát triển dài hạn; đồng thời tiếp cận và mở rộng các thị trường xuất khẩu để tạo thêm động lực tăng trưởng mới ngoài thị trường nội địa.
Theo vị đại diện này, các doanh nghiệp cũng cần rà soát chi phí để tiết giảm tối ưu; đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các phần mềm trong quản lý, sản xuất, vận hành để giảm chi phí nhân sự, nguyên vật liệu; rà soát lại các chi phí nhằm đưa ra các giải pháp sáng tạo, đột phá với ngân sách hợp lý, vẫn đạt hiệu quả cao.
Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...