Để gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu sửa Nghị định 132 ngay trong năm nay. Tuy nhiên, đến nay việc sửa đổi vẫn chưa có tiến triển…
Nghị định 132 đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết và doanh nghiệp không có giao dịch liên kết. Ảnh cơ quan thuế thực hiện thủ tục hướng dẫn doanh nghiệp
Theo đó, trong Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai hàng loạt các giải pháp để gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp. Đáng chú ý, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp về quy định quản lí thuế với giao dịch có liên kết .
Cụ thể, Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 4 năm nay về việc sửa đổi trên. Tháng 8/2023, Bộ Tài chính có thông báo phân công các đơn vị thuộc và trực thuộc bộ triển khai nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Theo đó, yêu cầu Quý 4/2023, Tổng cục Thuế phải hoàn thành việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đến giữa tháng 10, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) có văn bản xin ý kiến của các vụ, cục trong Bộ Tài chính về việc sửa đổi. Đáng chú ý, trong văn bản trên, Bộ Tài chính dự tính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi bổ sung Nghị định 132 trong… tháng 8/2024.
Thực tế, việc chậm trễ trên đang khiến rất nhiều doanh nghiệp lo lắng. Trước đó, động thái vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ từng là tin vui lớn với cộng đồng doanh nghiệp bởi, trong suốt thời gian dài, hàng loạt kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp bị tắc nghẽn, dẫn tới việc hàng nghìn doanh nghiệp bị bào mòn "thể lực".
Hậu quả là vô cùng lớn khi nhiều doanh nghiệp đã phải rơi vào cảnh phá sản, người lao động mất việc, ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống. Nghị định 132 được sửa đổi được hy vọng sẽ là hỗ trợ lớn với doanh nghiệp khi nhiều chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp sẽ được nhìn nhận đúng, phù hợp với thực tế giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực.
Các doanh nghiệp đang mong chờ Nghị định 132 được sửa đổi trong thời gian sớm nhất. Ảnh minh họa
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty TNHH Lee và Cộng sự cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 132 thời điểm hiện tại là vô vùng cần thiết, bởi các quy định về quản lý thuế tại nghị định đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tế. Trong đó, việc khống chế chi phí lãi vay chỉ ở mức 30% là chưa phù hợp với thực tế tại Việt Nam, khi các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đều trong giai đoạn phát triển, cần vốn nhiều.
Theo luật sư Nhung, mục tiêu ban hành Nghị định 132 là nhằm chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, thời gian qua, quy định này lại khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn kinh tế, công ty holding, công ty mẹ - con bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa kể, quy định còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết và doanh nghiệp không có giao dịch liên kết.
“Các doanh nghiệp đang mong chờ Nghị định 132 được sửa đổi trong thời gian sớm nhất, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp lỗ vẫn phải đóng thuế, khiến doanh nghiệp ngại ngần việc vay vốn mở rộng quy mô sản xuất”, luật sư Lê Thị Nhung nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, với doanh nghiệp thì chính sách có ý nghĩa sống còn. Chính sách chậm thì thiệt hại với doanh nghiệp vừa là tiền, vừa là cơ hội. Với hàng nghìn doanh nghiệp có liên quan thì thiệt hại của sự chậm trễ này là vô cùng lớn.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, tinh thần sửa đổi Nghị định 132 là hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, nhưng trong tình thế cấp bách hiện nay thì nên hướng tới mục tiêu ưu tiên cho doanh nghiệp bởi đây chính là động lực quan trọng của nền kinh tế. Hiện các doanh nghiệp thiếu vốn đang đứng trước bờ vực.
“Theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thì Bộ Tài chính có thể đẩy nhanh, làm nhanh và chủ động đề xuất làm theo quy trình rút gọn để sớm cởi các nút thắt pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần phục hồi nền kinh tế”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về điều này, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2023, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh do liên tiếp chịu tác động của Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới. Ông dẫn chứng, giai đoạn này nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận bằng 0, thậm chí là âm. Trong bối cảnh đó, chi phí lãi vay cao càng khiến doanh nghiệp thêm kiệt quệ.
“Những vấn đề của thực tiễn đang cản đường sự phát triển cần được ghi nhận đầy đủ và khắc phục triệt để thì mới thực sự là gỡ khó cho doanh nghiệp. Đơn cử, cơ quan soạn thảo nên xem xét kéo dài thời gian chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế từ mức 5 năm như hiện tại lên 7 năm; đồng thời, cho phép doanh nghiệp được chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế sang cả các kỳ tính thuế không phát sinh giao dịch liên kết”, ông Phong kiến nghị.
Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...