Điều kiện kinh doanh và góc nhìn doanh nghiệp

2023-11-09 08:20:22

Tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 cũng như trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, nhiều văn bản đang được soạn thảo và những quy định về điều kiện kinh doanh đang hiện hành đã bộc lộ không ít hạn chế khiến doanh nghiệp cảm thấy không an tâm.

Một trong những khó khăn đó là khó nhận diện như thế nào là điều kiện kinh doanh, phân biệt khái niệm này với tiêu chuẩn, quy chuẩn nên chưa thống nhất trong cách hiểu. Một số ngành nghề không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh vì đã có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn; hoặc có một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh, vì đã được quản lý bởi các biện pháp quản lý khác.

Điều kiện kinh doanh là điều kiện ràng buộc, hạn chế và kiểm soát chủ thể kinh doanh (ảnh Internet)

Điều kiện kinh doanh là điều kiện ràng buộc, hạn chế và kiểm soát chủ thể kinh doanh. Vì thế công cụ “điều kiện kinh doanh” chỉ nên sử dụng trong các trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể kinh doanh có thể tác động đến trật tự công. Đối với những trường hợp mà bản thân quá trình sản xuất, kinh doanh của chủ thể kinh doanh không tác động đến các lợi ích công cộng nhưng các sản phẩm, hàng hóa là kết quả của quá trình đó lại có thể tác động đến lợi ích công cộng thì phương pháp quản lý thích hợp là các giới hạn kỹ thuật tối thiểu mà sản phẩm, hàng hóa đó buộc phải đáp ứng nếu muốn tiêu thụ tại thị trường. Hiện tại, trên thị trường có các tổ chức chứng nhận sự phù hợp, đây là các tổ chức được cấp phép để thực hiện các hoạt động chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Như vậy, với việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật (kiểm soát những rủi ro của hàng hóa có thể tác động đến lợi ích công cộng) và đảm bảo sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa thông qua sự xác nhận của các tổ chức chứng nhận, Nhà nước có thể kiểm soát được những tác động tới lợi ích công cộng của hoạt động kinh doanh thay vì ban hành các điều kiện kinh doanh đối với các chủ thể.

Nhà nước cần phải có những công cụ quản lý những ngành nghề kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định (ảnh Internet)

Đối với những hàng hóa, dịch vụ không có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các sản phẩm, hàng hóa này có những tác động nhất định đến trật tự công; trong một số trường hợp, yêu cầu về điều kiện đối với các chủ thể kinh doanh thường không mang đến hiệu quả kiểm soát tốt hơn so với các biện pháp quản lý khác như đặt ra các yêu cầu nhất định đối với các sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông thị trường; quy định các nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình kinh doanh; quy định các chế tài đủ mạnh có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm… Đối với các ngành nghề này, việc áp đặt điều kiện đối với chủ thể kinh doanh, nói cách khác, xác định là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là biện pháp quản lý quá mức cần thiết và không phù hợp.

Một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh, bởi vì đã được quản lý bởi các biện pháp quản lý khác, ví dụ như: Kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện thủy nội địa; Kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển; Kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu.

Vàng trang sức thủ công mỹ nghệ được xem là loại hàng hóa thông thường (ảnh Internet)

Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện với phạm vi rộng sẽ dẫn tới tình trạng cơ quan quản lý xác định nhiều “ngành nghề con” khác là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, các “ngành nghề con” này lại không cần kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh. Ví dụ: “Kinh doanh vàng” được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục IV Luật Đầu tư. Trong ngành nghề này có “kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vàng trang sức thủ công mỹ nghệ được xem là loại hàng hóa thông thường. Kinh doanh loại hàng hóa này không tác động đến lợi ích công cộng như các loại vàng khác trong cùng nhóm “Kinh doanh vàng”. Bản thân các điều kiện kinh doanh của kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ cũng không có tính đặc thù về một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì không rõ về mục tiêu quản lý và Nhà nước muốn quản lý gì đối với ngành nghề này.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong quá trình thực thi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã nhiều lần kiến nghị về việc loại bỏ hoạt động kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ ra khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Về điều kiện kinh doanh hiện nay, doanh nghiệp phản ánh còn nhiều vướng mắc, bất cập liên quan đến thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh. Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020, Bộ, cơ quan ngang Bộ không được quyền ban hành về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, theo rà soát sơ bộ của VCCI, tình trạng các Thông tư ban hành điều kiện kinh doanh vẫn còn tồn tại khá nhiều: các Thông tư trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Việc Thông tư ban hành điều kiện kinh doanh sẽ dẫn tới tình trạng điều kiện kinh doanh không được kiểm soát chặt chẽ và khiến môi trường kinh doanh trở nên kém thuận lợi hơn.

Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”. Quy định này đã đặt ra mục tiêu quản lý Nhà nước của ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh. Vì vậy, khi cơ quan quản lý Nhà nước ban hành điều kiện kinh doanh, hoặc lựa chọn ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cần phải xác định ít nhất các vấn đề sau: ngành nghề đó tác động tới lợi ích công cộng nào? Quy định điều kiện kinh doanh liệu có kiểm soát được những nguy cơ, rủi ro mà ngành nghề đó tác động tới các lợi ích công cộng đó không?

Trên thực tế, việc xác định một ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện nay, các cơ quan soạn thảo chính sách thường ít khi giải trình với mục tiêu quản lý “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”. Vì vậy, nhiều ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh chưa phù hợp.

Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến về việc đề nghị góp ý Dự thảo Báo cáo về việc rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh. Hàng năm, ở nước ta có nhiều Bộ luật được thông qua, cả trăm Nghị định được ban hành và hàng trăm Thông tư được ra đời. Luật và Nghị định thì ít thay đổi, nhưng Thông tư thì thay đổi liên tục. Chính điều đó đã gây nhiều bất cập, rủi ro cho doanh nghiệp. Các Bộ, ngành rất tích cực trong việc lấy ý kiến doanh nghiệp, rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa vẫn còn gây không ít lúng túng, thậm chí nhầm lẫn.

Để kết thúc bài viết này, xin dẫn lời TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: bản chất điều kiện kinh doanh là không xấu, vì thực tế, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải có những công cụ quản lý những ngành nghề kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định, và doanh nghiệp cũng cần phải kinh doanh trong khuôn khổ của pháp luật. Nhưng có một thực tế là, với những quy định của Luật hiện hành, cùng những Luật khác có liên quan, thì doanh nghiệp đang lại bị gây khó dễ với vô vàn đòi hỏi từ các giấy phép con./.

Nguồn: Phan Duy Hùng (Chi nhánh VCCI tại Nghệ An)