Để có thể đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư, bên cạnh những nền tảng đã và đang có trong những năm qua, theo chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp…
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê , vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ) thực hiện tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD (tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước), đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 2 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Cụ thể, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến , chế tạo đạt 2,17 tỷ USD, chiếm 77,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 279,3 triệu USD, chiếm 10%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 128,4 triệu USD, chiếm 4,6%.
Vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD (tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước) - Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá cao về các yếu tố chính sách thông thoáng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đối với việc kiểm soát các yếu tố vĩ mô như ngoại hối hay lãi suất, Chính phủ đã thành công khi duy trì ổn định tỷ giá và giảm lạm phát hiệu quả. Việc giữ ổn định giá trị đã củng cố thêm sự yên tâm của phía nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, FDI được xem là một điểm sáng, động lực quan trọng góp phần phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2024. Cụ thể, trong giai đoạn khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, khu vực châu Á chứng kiến sự sụt giảm vốn FDI trong 2023 lên tới 12% so với năm 2022. Trong đó, các quốc gia lớn như Trung Quốc giảm 6%, Ấn Độ giảm 47% và khu vực ASEAN giảm 16%. Việt Nam lại là một ngoại lệ với mức tăng 32% với tổng vốn đăng ký hơn 36 tỷ USD trong đó trên 3.100 dự án FDI mới.
Lũy kế đến hiện tại có đến hơn 49.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt nam. Với nhu cầu đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia, nền tảng kinh tế chính trị xã hội ổn định, lao động có trình độ năng lực thì dự kiến vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Để tiếp tục đón làn sóng FDI lần thứ tư, theo chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế - Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Vì vậy, để có sự chuẩn bị tốt nhất, bên cạnh những nền tảng đã và đang có, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế…
Nhìn nhận xoay quanh vấn đề đã nêu, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, để đẩy mạnh thu hút FDI, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật và Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Nghị quyết của Quốc hội về thực thi thuế tối thiểu toàn cầu.
Hướng mạnh FDI vào các ngành công nghệ cao, trong đó, có công nghiệp bán dẫn, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia, đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nhất là năng lượng, hạ tầng số, giao thông vận tải. Thúc đẩy cải cách nền hành chính quốc gia và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Còn theo bà Đỗ Thụy Như Thùy - Giám đốc toàn quốc Khối Quản lý thanh toán và tiền tệ toàn cầu, HSBC Việt Nam, chính sách thu hút nhà đầu tư sao cho hoạt động hiệu quả là yếu tố rất quan trọng. Khi đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp quan tâm đến chi phí, trong đó nhân lực của Việt Nam có cạnh tranh hay không. Đồng thời, Việt Nam đã chuẩn bị nguồn lực công nghệ cao sẵn sàng hay chưa.
“Việt Nam có vị trí kề bên một nước láng giềng có nguồn lực lớn, đó cũng là vị trí rất tốt cho nhà đầu tư quan tâm tới”, bà Thuỳ chia sẻ.
Cùng với các vấn đề đã nêu, không ít chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam là một quốc gia thu hút FDI dồi dào, tuy nhiên, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu còn tương đối mới, chiến lược tăng trưởng xanh cũng chỉ mới được áp dụng. Do đó, trong thời gian tới cần có chính sách này, cũng như chính sách về phân loại xanh, ưu đãi xanh, gói đầu tư xanh… xây dựng hệ sinh thái xanh, tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho dự án xanh.
Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng với công nghệ xanh, chuyển giao tri thức xanh, xây dựng cụm ngành xanh trong khu vực như hydrogen xanh, sản xuất chế tạo linh kiện xanh để tận dụng lợi thế sẵn có.
Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...