Trước những khó khăn về cơ sở hạ tầng, cùng những bất cập đã và đang tồn tại, để thống nhất quản lý, các chuyên gia cho rằng, cần thiết thành lập Ủy ban Logistics quốc gia.
Theo đó, Logistics là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất tại Việt Nam trong những năm qua. Động lực cho sự phát triển này là nền kinh tế tăng trưởng ổn định, hoạt động sản xuất được đẩy mạnh và sự bùng nổ của thương mại điện tử .
Logistics là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất tại Việt Nam trong những năm qua - Ảnh minh họa
Mặt khác, mục tiêu phát triển đất nước trên cơ sở một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu là lý do khác giải thích tại sao hệ thống logistics đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo thuận lợi cho thương mại. Minh chứng là, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam gần chạm mốc 500 tỷ USD.
Trong đó, mạng lưới hàng không, hàng hải và đường bộ đóng góp chủ lực cho bức tranh vận chuyển hàng hóa. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2023 là ước đạt 756,825 triệu tấn, tăng 5% (so với năm 2022). Trong đó, hàng xuất khẩu ước khoảng 179,164 triệu tấn (tăng 1%). Hàng nhập khẩu ước đạt 221,928 triệu tấn (tăng 8%). Đối với hàng container, khối lượng thông qua cảng biển năm 2023, đạt khoảng 24,706triệu TEUs, bằng năm 2022…
Dù đóng góp vai trò quan trọng, tuy nhiên, hạ tầng của ngành Logistics Việt Nam được cho vẫn chưa hoàn thiện. Nhiều khu vực ở Việt Nam vẫn thiếu hạ tầng hiện đại, điều này dẫn đến sự chậm trễ và kém hiệu quả trong quá trình vận hành hệ thống logistics.
Các chuyên gia cho rằng, cần thiết thành lập Ủy ban Logistics quốc gia - Ảnh minh họa
Để tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào phát triển hạ tầng như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam; Cảng nước sâu ở Hải Phòng (khu vực phía Bắc) và TP. Hồ Chí Minh (khu vực phía Nam)… để cải thiện khả năng kết nối và giảm chi phí vận chuyển. Khi hoàn thành, những dự án này được cho sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống logistics và thu hút thêm đầu tư vào Việt Nam.
Đáng chú ý, cùng với những khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhiều ý kiến cho rằng, một thách thức không nhỏ đối với ngành Logistics Việt Nam hiện nay đó là sự quản lý các hoạt động trong ngành này còn thiếu sự thống nhất.
Cụ thể hoạt động triển khai, điều phối các nhiệm vụ phát triển logistics quốc gia còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù ngành dịch vụ logistics bao gồm nhiều lĩnh vực thuộc sự quản lý của nhiều bộ ngành khác nhau. Cơ chế phối hợp, thông tin giữa các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp còn chậm trễ. Bộ máy tổ chức và cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý Nhà nước về dịch vụ logistics còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm nên hiệu quả chưa cao.
Để giải quyết cho thực trạng trên, nhằm hỗ trợ phát triển Logistics trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cần thiết thành lập Ủy ban Logistics quốc gia để thống nhất quản lý.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Quốc Long, Phó chủ tịch Hiệp hội chủ tàu Việt Nam cho rằng, chiến lược phát triển logistics vẫn thiếu một cơ quan “cầm trịch”. Cơ sở hạ tầng, đất đai trong tay các tỉnh, còn Bộ Công Thương cũng ngang Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, không điều chỉnh được. Mọi vấn đề phải phối hợp mà không có “nhạc trưởng” thì dù là chiến lược gì cũng không ai quyết được.
“Do đó, cần xem xét thành lập Ủy ban Logistics quốc gia. Ủy ban này sẽ làm “nhạc trưởng” để có sự phối hợp giữa các bộ ngành như: Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và cả các địa phương. Bộ Công Thương có những chiến lược tốt, nhưng nếu không có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương thì một mình Bộ Công Thương cũng không làm được”, ông Long bày tỏ.
Đồng quan điểm với ý kiến đã nêu, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cũng cho hay, vừa qua, hiệp hội đã góp tiếng nói quan trọng nâng cao vị thế của cộng đồng logistics Việt Nam trên trường quốc tế, tạo sự kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ở góc độ liên kết vùng, theo ông Hiệp, cần nhận diện rõ ràng trong các chính sách phát triển, nhất là tính bền vững. Chính sách liên kết vùng cần tôn trọng và phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh của từng địa phương; giải quyết những xung đột lợi ích, tập trung cho mục tiêu chung của vùng, của quốc gia. Để làm được điều này, cần thiết phải có những góc nhìn khác về logistics so với những năm trước đây.
“Không cần thiết phải đến sau 2030 mới thành lập Ủy ban Logistics quốc gia - một cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách quản lý hoạt động logistics mà nên làm càng sớm càng tốt. Phải có một cơ quan như vậy thì mới phối hợp được giữa các ngành, địa phương bởi còn nhiều vấn đề khác như thuế, hải quan, giao thông vận tải…”, ông Lê Duy Hiệp nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...