Sửa đổi Luật số 69/2014: Tăng hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

2024-04-02 09:23:57

Để nâng cao công tác quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, góp ý sửa đổi Luật 69/2014/QH13, nhiều ý kiến cho rằng, cần phân nhóm doanh nghiệp để đầu tư…

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích khi đi vào thực tiễn, thế nhưng, sau gần 10 năm thực thi, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, vì vậy, việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật được cho là cần thiết.

Trước thực tế đã nêu, Luật số 69/2014/QH13 đang được đưa ra sửa đổi với tên gọi mới: “Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Theo đó, không chỉ thay đổi tên của luật, nhiều nội dung chính sách cũng được sửa đổi để đồng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đem lại hiệu quả cao nhất.

Sau gần 10 năm thực thi, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế - Ảnh minh họa: ITN

Theo có quan soạn thảo, việc sửa luật phải bảo đảm 5 nguyên tắc: Thứ nhất , thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; Thứ hai , bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác có liên quan; Thứ ba , kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định phù hợp của pháp luật về quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, loại bỏ những quy định không còn phù hợp;

Thứ tư , cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gắn với việc phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp; Thứ năm , bảo đảm các nguyên tắc về đầu tư vốn, quản lý thống nhất thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, “quyền sở hữu đi đôi với quyền kiểm soát”, Nhà nước đầu tư vốn tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý Nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước theo cơ chế thị trường, có giải pháp thực hiện và lộ trình hợp lý,…

Một số ý kiến cho rằng, để tăng hiệu quả việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cần phân nhóm doanh nghiệp để đầu tư - Ảnh minh họa: ITN

Nhìn nhận về định hướng sửa đổi đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương đề sẽ phần nào khắc phục được những tồn tại, hạn chế hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đồng thời đề xuất, việc điều chỉnh luật tập trung cốt lõi vào các vấn đề kinh tế vĩ mô kết nối với các thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp. Tách bạch giữa đầu tư vốn của Nhà nước vào doanh nghiệp với đầu tư của doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh; Phân biệt quyền chủ sở hữu cùng các quyền của bên vận hành doanh nghiệp. Đặc biệt, cần làm rõ doanh nghiệp Nhà nước chỉ nên đầu tư vào ngành, lĩnh vực nào…

Theo GS.TS Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XIV, Ban soạn thảo nên nghiên cứu và sửa đổi Dự án luật dựa trên nền của luật hiện hành và cập nhật những vấn đề mới phát sinh, tổng kết, luật hóa các quy định dưới luật để khi luật được thông qua tạo hành lang pháp lý và đem lại hiệu quả sử dụng đồng vốn Nhà nước một cách hiệu quả nhất.

Đồng quan điểm đã nêu, một số ý kiến cũng đề xuất, chỉ cần phân loại 2 nhóm doanh nghiệp để đầu tư là nhóm doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường bình đẳng để phát triển và nhóm doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia và năng lượng, những doanh nghiệp phát triển hạ tầng then chốt hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Nhà nước có thể kiểm soát việc đầu tư vào các loại hình doanh nghiệp này theo các chương trình, dự án…

Đại tá Ngô Minh Thuấn - Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng đề nghị, cần đánh giá hiệu quả sử dụng vốn trên cơ sở tổng thể, mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp, không tách bạch đánh giá theo từng dự án đầu tư để từ đó có thể phát huy tinh thần tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cho phép doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh hiệu quả nhiều năm liền được phép giữ lại một phần lợi nhuận sau thuế, sau khi trích lập các quỹ theo quy định để bổ sung vào vốn điều lệ được duyệt nhằm phục vụ đầu tư phát triển các dự án, bảo đảm khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế…

Được biết, tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024, liên quan đến Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ đều cho rằng, việc sửa đổi luật này là hết sức cần thiết để đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp...

Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp