Cân nhắc lợi ích kinh tế, tác động xã hội của việc đánh thuế VAT với các đơn hàng giá trị nhỏ qua nền tảng TMĐT là cần thiết, để đảm bảo phát triển bền vững và duy trì công bằng trong hệ thống thuế.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng Công ty CP Bưu chính Viễn thông, số lượng đơn hàng được gửi từ Trung Quốc về Việt Nam trong tháng 3/2023 đạt mức trung bình từ 4 - 5 triệu đơn mỗi ngày, có giá trị dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/đơn hàng.
Việc miễn thuế VAT cho các đơn hàng giá trị nhỏ từng được xem là một biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng và khuyến khích mua sắm trực tuyến
Tổng giá trị hàng hóa được vận chuyển hàng ngày qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Lazada, Tiki hay TikTok,... ước đạt từ 45 - 63 triệu USD, dẫn đến tổng giá trị hàng hóa luân chuyển hàng tháng lên tới 1,3 -1,9 tỷ USD. Điều này phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới.
Trước thực tế đó, tại Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ xem xét lại chính sách miễn thuế VAT cho các đơn hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ. Việc điều chỉnh chính sách này sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng giữa các sản phẩm nội địa và nhập khẩu, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới.
Có thể thấy, việc miễn thuế VAT cho các đơn hàng giá trị nhỏ từng được xem là một biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng và khuyến khích mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước một lượng thuế đáng kể. Khi số lượng giao dịch trực tuyến tăng vọt, vấn đề này càng trở nên đáng chú ý.
Đề xuất đánh thuế VAT đối với các đơn hàng giá trị nhỏ được xem là một giải pháp tiềm năng để cân bằng lại ngân sách, nhưng đồng thời cũng gặp một số ý kiến, bình luận khác nhau. Các nhà phân tích cho rằng, việc áp thuế có thể sẽ làm giảm sự hấp dẫn của mua sắm trực tuyến, vốn là một động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của lĩnh vực TMĐT.
Ngoài ra, việc áp dụng thuế VAT còn đòi hỏi hệ thống quản lý và thu thuế hiệu quả, minh bạch, tránh tạo gánh nặng không cần thiết cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Việc cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích kinh tế cũng như tác động xã hội là điều cần thiết trước khi cơ quan quản lý đưa ra quyết định cuối cùng, để đảm bảo phát triển bền vững, đồng thời duy trì sự công bằng trong hệ thống thuế.
Theo một vị chuyên gia tại Đại học Kinh tế TP HCM nhìn nhận, ở góc độ quản lý thuế, TMĐT vừa là thách thức vừa là cơ hội. Vì vậy, các giải pháp về quản lý thuế không hướng đến kìm hãm sự phát triển tất yếu này, mà phải hướng đến việc kiểm soát, quản lý và khai thác hiệu quả nguồn thu.
Cần chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên trách vừa có chuyên môn về thuế vừa có chuyên môn về công nghệ thông tin
Vị chuyên gia đề xuất một số nhóm giải pháp về quản lý thuế đối với TMĐT như sau: Thứ nhất , áp dụng kỹ thuật số vào công tác quản lý thuế và nâng cấp cở sở hạ tầng công nghệ thông tin đủ khả năng giám sát, kiểm soát và quản lý thuế hiệu quả đối với các mô hình kinh doanh TMĐT. Hiện nay, các cơ quan thuế chưa kiểm soát hiệu quả số lượng giao dịch phát sinh, doanh thu đối với các mô hình kinh doanh kỹ thuật số, cụ thể là các hình thức mua bán trực tuyến, quảng cáo trực tuyến hay trò chơi điện tử trực tuyến,…
Thứ hai , chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên trách vừa có chuyên môn về thuế vừa có chuyên môn về công nghệ thông tin, tiến đến thành lập các bộ phận chuyên trách quản lý các loại hình này.
Thực tế hiện nay cho thấy, cán bộ công chức thuế các cấp đa phần được tào tạo chuyên môn về tài chính. Trong khi đó, để quản lý thuế hiệu quả đối với các loại hình kinh doanh kỹ thuật số, cơ quan thuế cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về nền tảng số, TMĐT cho các cán bộ thuế, thành lập các bộ phận chuyên trách quản lý các loại hình này.
T hứ ba , Việt Nam cần đàm phán với các quốc gia trong khu vực và quốc tế nhằm đề ra thỏa thuận chung về quản lý thuế, xác định quyền đánh thuế đối với các giao dịch, thu nhập phát sinh từ các mô hình kinh doanh này trên phạm vi quốc tế. Từ cơ sở quy tắc chung được đồng thuận đó, Nhà nước mới ban hành các quy định pháp luật cụ thể về quản lý thuế đối với những mô hình này một cách toàn diện và thống nhất trên phạm vi quốc tế.
Tương tự, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan tại Học viện Tài chính phân tích, các nền tảng TMĐT hiện nay vẫn còn thiếu những công cụ công nghệ cần thiết để kiểm soát và quản lý hiệu quả các hoạt động kinh doanh trực tuyến, đặc biệt trong việc thu thập và quản lý thuế.
“Trước hết phải thiết kế các giải pháp thuế sao cho tối giản hóa thủ tục, nhằm giảm thiểu gánh nặng hành chính cho các bên liên quan. Bên cạnh đó, cần phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, để họ có thể thích nghi với các quy định thuế mới, mà không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường”, PGS.TS Lê Xuân Trường nhấn mạnh.
Vị PGS cũng gợi ý một số giải pháp về quản lý thuế như: (1) Sử dụng công nghệ để kiểm soát công nghệ; (2) Xây dựng và vận hành Trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao, hệ thống dò tìm tự động các giao dịch đáng ngờ; (3) Ứng dụng tích hợp các công nghệ hiện đại hỗ trợ quản lý thuế; (4) Phát triển tiện ích và mở rộng chức năng hệ thống kê khai, nộp thuế điện tử; (5) Phát triển công nghệ tự tính thuế theo thời gian thực phát sinh giao dịch.
Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp