Sửa Nghị định 163/2017: Gỡ khó cho phát triển dịch vụ logistics

2024-04-11 08:22:35

Trước những tồn tại, hạn chế gây khó cho việc phát triển logistic tại các địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Nghị định 163/2017/NĐ-CP…

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI-Logistics Performance Index), thuộc Top 5 ASEAN sau Singapore , Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.

Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hằng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 lên 638 tỷ USD. Dịch vụ logistics Việt Nam không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hằng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam - Ảnh minh họa

Đặc biệt, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ, đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tối ưu hóa chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lập môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển.

Tuy nhiên bên cạnh những tín hiệu tích cực, công tác quản lý, phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam được cho vẫn còn đó không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, có thể kể đến như vấn đề liên quan đến quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng logistics; chi phí dịch vụ logistics còn cao dẫn đến năng lực cạnh tranh hạn chế; thiếu nhân lực logistics; thủ tục hành chính cần cải cách hơn nữa...

Đặc biệt, mặc dù là đơn vị đầu mối tổng hợp báo cáo cho UBND, HĐND cấp tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực dịch vụ logistics, thế nhưng, các Sở Công Thương tại địa phương lại đang gặp khó khăn khi số liệu thống kê của các ngành không kịp thời, cũng như không có thông tin hoạt động của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn đó không ít tồn tại cần được xử lý - Ảnh minh họa

Theo đó, các Sở chỉ nắm được một phần nhỏ trong việc xây dựng thể chế, kế hoạch, đề án logistics. Còn các vấn đề xây dựng thể chế, quy định, thực thi quy định, thanh tra kiểm tra thường lấy số liệu các ngành, vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ logistics của ngành Công Thương các địa phương còn khá mờ nhạt.

Dó đó, để thúc đẩy phát triển hoạt động logistics, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý phát triển dịch vụ logistics gắn với trách nhiệm quản lý Nhà nước một cách đồng bộ từ các bộ ngành trung ương và các sở ngành tại địa phương.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Đặng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ cho rằng, vai trò của ngành Công Thương trong Nghị định 163/2017/NĐ-CP không được rõ nét.

“Cần sửa đổi Nghị định 163/2017/NĐ-CP theo hướng quy định rõ hơn về thương mại điện tử đối với lĩnh vực dịch vụ logistics; lồng ghép quy định quản lý Nhà nước về lĩnh vực dịch vụ logistics vào Nghị định này, đồng thời phân định rõ trách nhiệm, vai trò của các ngành” ông Phương đề nghị.

Đồng thời cho rằng, cần có quy hoạch tổng thể chung về hệ thống logistics của cả nước, trong đó, cần có nội dung liên kết vùng, hợp tác phát triển logistics giữa các địa phương phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng địa phương, từng vùng để tạo thành các chuỗi logistics. Từ đó, phát huy được thế mạnh tổng hợp.

Ngoài ra, ông Đặng Việt Phương còn kiến nghị sửa đổi quy định phân hạng trung tâm logistics và quy định chính đất đai khi thực hiện các dự án hạ tầng trung tâm logistics do những quy định trước đây không còn phù hợp.

Cũng liên quan đến việc sửa đổi Nghị định này, ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, Nghị định 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định về kinh doanh dịch vụ logistics có 16 nhóm ngành nghề dịch vụ thì có trên 10 ngành nghề dịch vụ liên quan đến ngành giao thông vận tải; các dịch vụ logistics liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương rất ít.

“Khi triển khai thực hiện cần có sự liên kết giữa các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh và giữa các địa phương với nhau”, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang kiến nghị.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, không ít chuyên gia cũng kiến nghị, cần có công cụ đánh giá thực trạng phát triển dịch vụ logistics, kết quả hoạt động của doanh nghiệp, thực trạng phát triển dịch vụ logistics với từng ngành, lĩnh vực sản xuất của địa phương; đề nghị hỗ trợ địa phương đào tạo nguồn nhân lực logistics; cần ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về khu, cụm dịch vụ logistics; cần có định hướng, hỗ trợ liên kết, phối hợp phát triển dịch vụ logistics giữa các địa phương, các vùng...

Trước những ý kiến về các bất cập và nhu cầu sửa đổi Nghị định 163/2017/NĐ-CP, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, định nghĩa về phạm vi, khái niệm của các dịch vụ logistics hiện nay đưa ra trong 16 nhóm ngành tại Nghị định này có thể là chưa phản ánh hết, hoặc là chưa thể hiện hết các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là thực tế phát triển hiện nay như thương mại điện tử…

“Do đó, Cục Xuất nhập khẩu sẽ đưa vào kế hoạch để đề xuất xem xét sửa đổi trong thời gian tới”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.

Ngoài ra, liên quan đến các vấn đề quy hoạch các trung tâm logistics; liên kết vùng, địa phương trong phát triển dịch vụ logistics; quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng dịch vụ logistics; các tiêu chuẩn về khu, cụm logistics... ông Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp và có sự trao đổi tiếp theo tại các cuộc họp liên quan đến thực hiện Luật Quy hoạch và triển khai quy hoạch các tỉnh, thành phố...

Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp