Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc quy định về dịch vụ tài chính phái sinh

2024-04-15 14:58:43

Đánh giá cao những nội dung Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đề xuất, thế nhưng, theo chuyên gia, quy định về dịch vụ tài chính phái sinh cần được xem xét, điều chỉnh...

Theo đó, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7 tới đây (tháng 5/2024), Dự thảo gồm 4 Chương, 16 Điều, quy định về đối tượng chịu thuế , đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ và phương pháp tính thuế, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng.

Đáng nói, liên quan đến dịch vụ tài chính phái sinh, khoản 9, Điều 5 Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định: “Dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật”. Và đây là đối tượng thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng.

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7 tới đây (tháng 5/2024) - Ảnh minh họa: ITN

Xoay quanh nội dung đề xuất đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) quy định dịch vụ tài chính phái sinh không thuộc đối tượng chịu thuế là chưa bảo đảm sự phù hợp về mặt tên gọi thuật ngữ này với các quy định của pháp luật khác có liên quan, như pháp luật ngân hàng, pháp luật chứng khoán.

Đánh giá cao những điểm sửa đổi, bổ sung rõ nét của Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này trong việc điều chỉnh về mặt thuật ngữ nhằm bảo đảm tương thích với các quy định của pháp luật chuyên ngành, tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Hằng - Trưởng Bộ môn Luật Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, bản thân những nhóm đối tượng, như: hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hoán đổi lãi suất... không được quy định với tên gọi chung là “dịch vụ tài chính phái sinh” như trong Dự thảo Luật.

Góp ý quy định về dịch vụ tài chính phái sinh, chuyên gia đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, điều chỉnh - Ảnh minh họa: ITN

Theo TS. Nguyễn Minh Hằng, khoản 9 Điều 5 Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định: “Dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật” là chưa phù hợp bởi, pháp luật có liên quan sử dụng thuật ngữ “công cụ tài chính phái sinh” hoặc “sản phẩm tài chính phái sinh” để đề cập tới những loại hợp đồng nêu trên.

Cụ thể, trong pháp luật ngân hàng, sản phẩm phái sinh lãi suất là công cụ tài chính được định giá theo biến động dự kiến về lãi suất; sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa là công cụ tài chính được ngân hàng thương mại cung ứng nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa cho khách hàng. Còn trong pháp luật chứng khoán, chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn...

Đồng quan điểm đã nêu, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng cho rằng, trong quá trình thực thi đã phát sinh một số vướng mắc, do hoạt động phái sinh hoặc sản phẩm phái sinh thì ngoài hoán đổi lãi suất, quyền chọn mua bán ngoại tệ trong lĩnh vực tín dụng còn có giao dịch phái sinh hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thực hiện khác.

Chẳng hạn, Bộ Tài chính đã có các công văn số 10554/BTC-TCDN ngày 07/8/2012 và Công văn số 9878/BTC-CST ngày 30/7/2013 gửi Bộ Công Thương trả lời “các giao dịch phái sinh thông qua các hợp đồng hợp mua bán có kỳ hạn, hợp đồng mua bán tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng”. Tổng cục Thuế cũng có Công văn số 5178/TCT-CS ngày 07/12/2020 trả lời “Trường hợp giao dịch hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa được thực hiện theo quy định pháp luật về thương mại thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng”.

Hay, tại khoản 32 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định “sản phẩm phái sinh là công cụ tài chính được định giá theo biến động dự kiến về giá trị của một tài sản tài chính gốc như lãi suất, ngoại hối, tiền tệ hoặc tài sản tài chính khác”. Như vậy, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) không dùng cụm từ “dịch vụ tài chính phái sinh” mà là “sản phẩm phái sinh”.

Do đó, vị chuyên gia này nhấn mạnh, thuật ngữ “dịch vụ tài chính phái sinh” được thể hiện trong Dự thảo Luật (sửa đổi) cần được điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.

Đồng thời, để bảo đảm phù hợp với các luật chuyên ngành và có sự rõ ràng, minh bạch, thống nhất trong thực tiễn, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng đề nghị, sửa đổi điểm g khoản 9 Điều 5 Dự thảo Luật (sửa đổi) thành “Hoạt động hoặc sản phẩm phái sinh bao gồm: giao dịch hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; hợp đồng quyền chọn; hoán đổi; dịch vụ phái sinh khác theo quy định của pháp luật”.

Cùng với vấn đề này, góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng đề xuất cơ quan soạn thảo rà soát, cân nhắc kỹ các nhóm đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Nguồn: Báo diễn dàn doanh nghiệp