Giải pháp nào chống thất thu thuế thương mại điện tử?

2024-03-11 09:57:16

Để chống thất thu thuế, Tổng cục Thuế cho biết, sẽ cấm xuất cảnh và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những người bán hàng online nợ thuế.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế , đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số, năm 2023, Tổng cục Thuế đã triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.

Đến nay đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là 8.096 tỷ đồng, trong đó đã có 6.896 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua qua Cổng Thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.

Nhiều giải pháp chống thất thu thuế trên "chợ mạng" đã được cơ quan thuế áp dụng đem lại kết quả tích cực - Ảnh minh họa: ITN

Đối với Cổng thông tin TMĐT của Tổng cục Thuế, đến nay cũng đã ghi nhận 357 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki…

Đồng thời, cơ quan thuế đã tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT với số tiền khoảng 275 tỷ đồng.

Để nâng cao công tác quản lý thuế, đặc biệt là việc chống thất thu thuế trên các sàn TMĐT, Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian tới sẽ công khai danh sách những người bán hàng online nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, tiến hành cưỡng chế, trong đó có biện pháp cấm xuất cảnh với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ.

Liệu đây có phải là giải pháp khả thi và phù hợp? Theo các chuyên gia, quy định này không mới, nếu áp dụng tốt không chỉ giúp TMĐT phát triển ổn định, mà còn đem đến hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước.

Quy định cấm xuất cảnh và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những người bán hàng online nợ thuế được cho là giải pháp phù hợp - Ảnh minh họa: ITN

Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, việc bán hàng online trên mạng xã hội cũng đang phát triển rất mạnh nhưng hầu hết đều khó xác định việc kê khai và nộp thuế. Thực tế, quy định công khai hay cấm xuất cảnh đối với người nợ thuế là biện pháp từ nhiều năm nay. Đơn vị Luật Quản lý thuế năm 2019 hay Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã quy định tạm hoãn xuất cảnh với người nộp thuế đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Tuy nhiên, việc các cá nhân có thể dễ dàng lách thuế, né thuế vì người mua hàng online trên mạng xã hội hay trên các sàn TMĐT đều không lấy hóa đơn.

Theo ông Thịnh, dữ liệu cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng online cần được tập trung quản lý để tăng hiệu quả thu thuế. Việc thông tin công khai những cá nhân nợ thuế hay cấm xuất cảnh làm gương cũng là một trong những biện pháp tốt để ngăn chặn việc này.

“Các giao dịch mua bán phần lớn là chuyển khoản qua ngân hàng. Cơ quan chức năng có thể phối hợp với những đơn vị này để giám sát giao dịch cũng như có thêm dữ liệu về thông tin giao dịch của khách hàng”, ông Thịnh lưu ý.

Còn theo chuyên gia thuế - Nguyễn Ngọc Tú, quy định cấm xuất cảnh người bán hàng online nợ thuế đã có từ vài năm nay và phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này, sẽ đảm bảo thu được thuế cho ngân sách Nhà nước, tức quyền lợi của Nhà nước được đặt lên hàng đầu để không thất thoát ngân sách.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vị chuyên gia này cũng cho rằng, cần có quy định cụ thể hơn về việc nợ thuế ở mức bao nhiêu thì cấm xuất cảnh để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín, công việc của doanh nghiệp.

“Có người nợ thuế nhưng tài khoản còn tiền, thể hiện trên sổ sách và tài sản hiện hữu thì doanh nghiệp vẫn đủ điều kiện để nộp thuế cho Nhà nước. Có những trường hợp họ xuất cảnh là để hợp tác kinh doanh”, ông Tú chia sẻ.

Cũng theo ông Tú, hiện nay TMĐT ngày càng phát triển, nhưng số thu từ lĩnh vực này chưa tương xứng. Thực tế, đến hết năm 2023, số thu từ TMĐT với các tổ chức, cá nhân trong nước đạt hơn 536 tỷ đồng, trong khi theo Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam đạt khoảng 20,5 tỷ USD.

Đề cập đến việc xác định đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập, kiểm soát giao dịch kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Vị chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần vào cuộc thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, đưa dần đến bắt buộc thanh toán qua tài khoản để quản lý (trừ các chợ truyền thống). Ngoài ra, các sản phẩm phải niêm yết giá và đăng ký với cơ quan chức năng.

“Phía cơ quan thuế cũng phải tăng cường hơn nữa việc sử dụng công nghệ cao để quản lý thuế”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Nguồn: Báo Diễn đàn danh nghiệp