Đề xuất điều chỉnh quy định về phân phối lợi nhuận của DNNN theo hướng cho doanh nghiệp chủ động giữ lại phần lợi nhuận sau thuế để bổ sung vốn điều lệ phục vụ đầu tư phát triển các dự án.
Theo ông Nguyễn Năng Toàn, Chủ tịch Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP), bước sang năm 2024, mặc dù kinh tế thế giới và Việt Nam được dự báo phục hồi yếu và tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro thách thức lớn, tình hình cạnh tranh khai thác cảng và dịch vụ logistics ngày càng gay gắt. Nhưng ngành cảng biển và dịch vụ logistics sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ việc Việt Nam đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia vào các FTA thế hệ mới.
Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn tự tin đặt các mục tiêu cao hơn, khát vọng cao hơn cho năm 2024.
Để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2024 là từ 6-6,5%, đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh cao hơn trong năm nay để góp phần phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh hóa, số hóa, bắt kịp xu thế thế giới, với mức tăng trưởng trên 5% cho các chỉ tiêu kinh tế cơ bản.
“Tân Cảng xác định là đơn vị tiên phong triển khai số hóa cảng biển theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng, Dự án bến 7, 8 Lạch Huyện ở Hải Phòng mới được chấp thuận chủ trương đầu tư của Tổng Công ty dự kiến cũng là cảng tiên phong áp dụng công nghệ bán tự động trong khai thác và xếp dỡ”, Chủ tịch SNP khẳng định.
Sự lạc quan này của doanh nghiệp là tương đồng với nhận định tại báo cáo "Triển vọng Ngành Cảng biển & Logistics năm 2024" của Công ty Chứng khoán SSI công bố mới đây. Theo đó, SSI nhận định, ngành cảng biển trong năm 2024 sẽ phục hồi sản lượng do nhu cầu xuất nhập khẩu cải thiện, đặc biệt là từ việc bổ sung hàng tồn kho ở Mỹ/Châu Âu, trong khi nguồn cung sẽ duy trì ổn định đến năm 2025.
Đáng lưu ý, tăng trưởng lợi nhuận ngành cảng biển sẽ ở mức 15-20% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng về sản lượng và giá cước trung bình được cải thiện tại một số cảng. Các khu vực cảng nước sâu (như Lạch Huyện và Cái Mép) có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn so với mức nền so sánh thấp trong nửa đầu năm 2023, trong khi, các cảng trung chuyển cũng ghi nhận sản lượng tăng trưởng.
Để thực hiện thành công Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, đồng thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Chủ tịch SNP Nguyễn Năng Toàn đề xuất sớm sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trong đó cần cụ thể hóa các quy định về vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước, về đánh giá hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, trên cơ sở tổng thể theo mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp không tách riêng từng dự án, từng danh mục đầu tư...
SNP đề nghị Bộ Tài Chính chấp thuận và tạo điều kiện để Tổng Công ty tăng vốn điều lệ từ 6.931 tỷ đồng lên 10.445 tỷ đồng.
Theo ông Toàn, việc này nhằm phát huy tính tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của người quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Đồng thời đề xuất điều chỉnh quy định về phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước theo hướng cho phép một số doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hiệu quả trong nhiều năm liền, có các dự án đầu tư phát triển lớn, hiệu quả được chủ động giữ lại phần lợi nhuận sau thuế sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định để bổ sung vốn điều lệ phục vụ đầu tư phát triển các dự án, đảm bảo khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Chủ tịch SNP đề xuất Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn được tiếp nhận, đầu tư và khai thác các cảng biển nước sâu có vị trí chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh, trọng điểm về kinh tế nhằm tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt mở đường của doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh trên các địa bàn chiến lược trọng điểm của quốc gia.
SNP cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét cấp vốn trung và dài hạn đảm bảo cho Tổng Công ty được phát triển các dự án trọng điểm vừa tạo thế cạnh tranh bền vững vừa đảm bảo thực hiện Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của giai đoạn 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Cụ thể là chấp thuận và tạo điều kiện để Tổng Công ty tăng vốn điều lệ từ 6.931 tỷ đồng lên 10.445 tỷ đồng”, Lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đề nghị.
Trả lời về đề xuất này của SNP, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện có nhiều ý kiến về Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
“Chúng tôi rất trăn trở và lấy ý kiến nhiều vòng nhưng có đồng chí không quan tâm đến vấn đề thể chế và việc sửa luật, sau này khi thực hiện, sẽ gặp vướng mắc. Chính vì vậy chúng tôi muốn được nghe ý kiến của các đồng chí, đặc biệt trong vấn đề tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, chúng ta quản lý đầu vào hay đầu ra? Chúng ta được quyền tự quyết trong vấn đề trả lương để thu hút người tài, giải quyết các vấn đề khoa học phát sinh….”, ông Phớc nêu.
Về vấn đề lợi nhuận để lại, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng rất băn khoăn chuyện này. “Việc tăng vốn cho doanh nghiệp nào, đầu tư cho doanh nghiệp nào là do Thủ tướng Chính phủ quyết định, chúng ta không thể tạo cơ chế để đầu tư tràn lan, không biết hiệu quả như thế nào…, chúng tôi quan trọng hiệu quả của đồng vốn chứ không phải bó lại đầu vào”, ông Phớc nói.
Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...