Cần đảm bảo tính thống nhất và hạn chế tình trạng yêu cầu giám định thiếu căn cứ

2023-10-10 08:30:27

Góp ý về thực hiện giám định chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư, VCCI đề nghị cần đảm bảo tính thống nhất và hạn chế tình trạng giám định thiếu căn cứ…

Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) vừa có văn bản trả lời Công văn số 498/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc đề nghị tham gia cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư (Dự thảo).

VCCI vừa có văn bản trả lời về đề nghị tham gia cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, về hồ sơ thực hiện giám định chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư (Điều 4 Dự thảo), theo VCCI, khoản 1 Điều 4 Dự thảo quy định trong hồ sơ thực hiện giám định chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư có “Văn bản của Cơ quan yêu cầu giám định yêu cầu tổ chức việc giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư theo Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này kèm theo các tài liệu cung cấp thông tin về dấu hiệu vi phạm của dự án đầu tư (nếu có) trong trường hợp Cơ quan yêu cầu giám định không phải là Cơ quan có thẩm quyền”.

Góp ý quy định đã nêu, VCCI cho rằng, nếu áp dụng quy định đã nêu thì “các tài liệu cung cấp thông tin về dấu hiệu vi phạm của dự án đầu tư” không phải là yêu cầu bắt buộc khi cơ quan yêu cầu giám định yêu cầu tổ chức việc giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư. Điều này có thể khiến cho việc yêu cầu giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trở nên thiếu căn cứ, chưa phù hợp với quy định tại điểm b khoản 3 Điều 28 Nghị định 31/2021/NĐ-CP việc giám định độc lập giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sau khi dự án đầu tư được đưa vào khai thác, vận hành được thực hiện trong trường hợp “cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ có căn cứ xác định nhà đầu tư có dấu hiệu vi phạm về ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong quá trình thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ”.

Hơn nữa, việc không có tài liệu cung cấp thông tin về dấu hiệu vi phạm của dự án đầu tư cũng khiến cho cơ quan có thẩm quyền tổ chức giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ gặp khó trong quá trình giải quyết yêu cầu này.

Để đảm bảo tính thống nhất và hạn chế tình trạng việc yêu cầu giám định thiếu căn cứ, ảnh hưởng đến hoạt động triển khai dự án đầu tư, VCCI đề nghị quy định việc yêu cầu tổ chức giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, cơ quan yêu cầu phải cung cấp tài liệu về dấu hiệu vi phạm của dự án đầu tư.

Trong đó, VCCI đề nghị cần đảm bảo tính thống nhất và hạn chế tình trạng giám định thiếu căn cứ - Ảnh minh họa: ITN

Cũng tại văn bản đã nêu, góp ý về lựa chọn Tổ chức giám định, VCCI cho biết, khoản 3 Điều 5 Dự thảo quy định: “Trường hợp phải đấu thầu lựa chọn tổ chức giám định, Cơ quan có thẩm quyền tổ chức đấu thầu, thời gian và trình tự thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu”.

Theo VCCI, Dự thảo này quy định về các vấn đề liên quan đến giám định chất lượng và máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư – được xem là văn bản pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực này. Vì vậy, cần thiết phải quy định ngay tại Dự thảo việc lựa chọn Tổ chức giám định có phải thực hiện đấu thầu hay không?

Quy định trên tại Dự thảo là chưa rõ trường hợp nào phải đấu thầu, trường hợp nào là chỉ định Tổ chức giám định. Điều này có thể gây lúng túng trên thực tế áp dụng, vì vậy, VCCI đề nghị quy định rõ vấn đề này.

Ngoài ra, về ý kiến của Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ, theo quy định tại Điều 5 Dự thảo, sau khi Tổ chức giám định thực hiện giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư, Cơ quan có thẩm quyền sẽ gửi hồ sơ, tài liệu xin ý kiến chuyên gia hoặc ban hành quyết định thành lập Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ về kết luận chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư, kết luận về hành vi vi phạm hay không vi phạm của nhà đầu tư.

Cũng theo VCCI, như vậy, chuyên gia hay Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ sẽ xem xét trên cơ sở Chứng thư giám định của Tổ chức giám định? Trong trường hợp, ý kiến của chuyên gia hoặc Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ không thống nhất với Chứng thư giám định thì có tổ chức lại hoạt động giám định hay không?

“Để đảm bảo thuận lợi khi áp dụng, đề nghị quy định rõ về vấn đề này”, VCCI góp ý.

Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp