Sửa đổi Luật Đất đai: Quy hoạch tổng thể dẫn dắt quy hoạch sử dụng đất

2022-11-14 09:17:00

Trong lĩnh vực sử dụng đất đai, huy động nguồn lực đất đai phải tuân thủ Luật Quy hoạch phát triển kinh tế tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa thông qua được quy hoạch tổng thể này.

>> Luật Đất đai (sửa đổi) cần có thêm một điều về thuế

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 14/11.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội). Ảnh: QH

Đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Vũ Tiễn Lộc cho rằng, sửa đổi luật là phải tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Về quy hoạch sử dụng đất, đại biểu Vũ Tiễn Lộc cho rằng, quy hoạch đất phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.

“Sửa đổi Luật Đất đai phải có sự rà soát sự chồng chéo với các luật khác, tránh trường hợp khi sửa đổi Luật Đất đai vẫn phải sửa đổi nhiều luật hoặc Luật Đất đai được thông qua nhưng các luật khác lại gặp nhiều cản trở trong việc thực thi”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch tổng thể phát triển quốc gia phải là ngọn hải đăng để dẫn dắt cho quy hoạch trong mọi lĩnh vực.

>> Chuẩn hóa từ ngữ trong Luật Đất đai sửa đổi

>> Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Xác lập bảng giá đất sẽ là thách thức lớn

Trong lĩnh vực sử dụng đất đai, huy động nguồn lực đất đai cũng phải tuân thủ Luật Quy hoạch phát triển kinh tế tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa thông qua được quy hoạch tổng thể này.

Vì vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị Quốc hội phải có những nỗ lực vượt bậc để có thể thông qua được quy hoạch tổng thể này để dẫn dắt cho quy hoạch sử dụng đất và chỉ trên cơ sở đó mới đảm bảo được một sự minh bạch, ổn định cho phát triển thị trường đất đai và huy động nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: QH

Ngoài ra, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, Luật Đất đai liên quan đến rất nhiều luật có liên quan và khi sửa đổi Luật Đất đai nên việc sửa đổi Luật này trong 3 kỳ họp, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại những chồng chéo, bất cập trong các dự luật khác để đưa ra một luật sửa nhiều luật đồng bộ, để Luật Đất đai (sửa đổi) khi đưa vào có thể phát huy ngay tác dụng.

Đây cũng là một việc rất quan trọng, nếu không thì chúng ta sẽ gặp lại bài học trong lịch sử vì Luật Đất đai có thể tốt nhưng mà các luật khác sẽ cản trở việc thực hiện Luật Đất đai.

Góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu lượng hóa đến mức tối đa và bổ sung nội dung của các điều khoản nêu trong dự thảo Luật.

Do dự án Luật Đất đai có tính chất đặc thù và nhạy cảm so với các dự án luật khác, có ranh giới rõ ràng giữa các đối tượng điều chỉnh trong luật nên đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai 2013.

Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và dự báo tình hình để bổ sung nhiều nội dung đã, đang và sẽ phát sinh trong thực tiễn để thêm vào phần giải thích từ ngữ. Đồng thời cần quy định chi tiết cụ thể rõ ràng và đầy đủ hơn đảm bảo bất kỳ ai khi đọc luật này cũng đều hiểu rõ và có thể áp dụng được ngay.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh). Ảnh: QH

Riêng các nội dung không thể làm rõ ngay trong dự luật, đại biểu đề nghị cần phải được làm rõ ngay trong nghị định hướng dẫn, hạn chế tối đa việc quy định trong thông tư của các bộ ngành hoặc trong quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đại biểu nhấn mạnh, có như vậy mới đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt trong việc cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về chính sách đất đai.

Điển hình một trong số nội dung trong dự thảo Luật chưa được đề cập đó là khái niệm về quỹ đất công ích. Cụm từ “quỹ đất công ích” không được giải thích và cũng không được đề cập trong Nghị định hướng dẫn.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, khái niệm về “quỹ đất công ích” nếu không được làm rõ sẽ dẫn đến khó thực hiện hoặc có khi thực hiện sai quy định, vì đây là kẻ hở có thể bị lợi dụng dẫn đến vi phạm pháp luật và còn rất nhiều nội dung khác cần phải được quy định rõ hơn, đề nghị ban soạn thảo quan tâm.

Về quy định việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, đại biểu cho rằng, phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có tính chất đặc thù và nhạy cảm so với các dự án luật khác. Ảnh: QH

Đại biểu băn khoăn, vậy điều kiện thế nào là bằng hoặc tốt hơn, đề nghị cần có thêm tiêu chí quy định đánh giá cụ thể hơn để dễ thực hiện và đảm bảo quyền lợi của người dân. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Luật cần giải thích và quy định rõ hơn khái niệm về “quỹ đất phụ cận” được nêu trong Nghị quyết 18.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại nội dung tại khoản 3 Điều 24, đề nghị Luật giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chính sách cụ thể về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý vào Điều 239 của dự thảo Luật quy định xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai.

Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc, tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi các luật có liên quan để đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam mà Luật Đất đai được xem là luật gốc để khi luật được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.