Những điểm nhấn thương trường thế giới quý II/2022

2022-06-30 08:41:50

Điểm lại 3 yếu tố bối cảnh quan trọng, cùng với 5 con số đáng nhớ và 2 xu hướng mới nổi trong quý II năm 2022.

>>“Cơn gió ngược” nào cản kinh tế thế giới?

BA YẾU TỐ BỐI CẢNH QUAN TRỌNG

1. Suy thoái kinh tế

Cả thế giới lo lắng về suy thoái kinh tế. Khả năng suy thoái của Mỹ trong quý này tăng vọt khi Cục Dự Trữ Liên Bang (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Lãi suất cao sẽ khiến mọi người ít mua sắm, tiêu dùng hơn và đi tiết kiệm. Điều này có thể hạ nhiệt nhu cầu và giá cả, từ đó kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên mặt trái của chính sách này là các công ty sẽ tăng trưởng ít hơn, từ đó thị trường cổ phiếu rớt điểm. Vậy nên hiện giờ ai cũng trông ngóng thử xem liệu Fed vừa có thể hạ nhiệt nền kinh tế vừa đảm bảo không suy thoái hay không. Nhưng có vẻ tình hình ngày càng không khả quan.

2. Tiền điện tử ảm đạm

“Contagion” trở thành cụm từ thông dụng trong quý khi thị trường tiền điện tử tiếp tục lao dốc cùng chứng khoán, mất đến 2 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường kể từ mức đỉnh hồi tháng 11. Đồng stable coin TerraUSD mất đến 40 tỷ USD giá trị thị trường chỉ sau một đêm. Còn công ty cho vay tiền điện tử Celsius đóng băng hàng tỷ đô của khách hàng.

Một số công ty tiền điện tử khác như Coinbase hoặc Crypto.com và Gemini đều gặp khó khăn và phải sa thải nhân viên. Các đề xuất về tiền điện tử tại Thượng Viện Mỹ có thể đem đến khởi sắc. Tuy nhiên khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần, việc này lại không phải chủ đề quá sôi nổi.

3. Nghịch lý thị trường lao động

Những ngành như du lịch - nhà hàng khách sạn quay trở lại nhanh chóng khiến các doanh nghiệp không thể tuyển đủ người. Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử và lương theo giờ tăng gấp đôi từ 2019.

Tuy nhiên các công ty công nghệ như Meta, Twitter, Netflix và Uber lại sa thải hàng loạt nhân viên do tăng trưởng chậm. Trong tháng trước ngành công nghệ cắt giảm công việc gấp 8 lần so với bốn tháng đầu năm cộng lại. Mặc dù vậy, hiện nay tỷ lệ (công nhân : công việc) đang là (1:2), do đó mọi người sẽ dễ dàng tìm được việc hơn.

>>"Bóng ma" lạm phát đình đốn đe dọa kinh tế thế giới

NĂM CON SỐ ĐÁNG NHỚ

  • 156 triệu USD: Là số tiền bộ phim “Top Gun: Maverick” thu được sau tuần đầu công chiếu, một kỷ lục trong dịp lễ Ngày Tưởng Nhớ. Trong năm 2020 doanh số rạp phim chạm mức thấp kỷ lục trong 40 năm, tuy nhiên tình hình dần khởi sắc trở lại khi các studio đưa ra những loạt phim ăn khách như “Batman”.
  • 280 USD: Là số tiền đấu giá cao nhất cho NFT của tweet đầu tiên của Jack Dorsey trong đợt đấu giá tháng 4. Trong khi đó một năm trước nó được bán với giá đến 2,9 triệu USD. Giá của Bored Apes và nhiều NFT khác cũng giảm mạnh.
  • 6,1 tỷ USD: Là số tiền mà Mỹ cam kết hỗ trợ Ukraine trong xung đột Nga - Ukraine
  • 44 tỷ USD: Là số tiền mà Elon Musk đồng ý chi ra để mua Twitter, bao gồm khoản đầu tư cá nhân 21 tỷ USD. Con số này bằng 1/5 giá trị tài sản ròng của ông.
  • 0,94 euro: Là số tiền quy đổi của 1 USD. Giá đô Mỹ tăng 9% trong năm nay và mạnh hơn so với các đồng tiền khác như đồng yên Nhật, đồng nhân dân tệ Trung Quốc và đồng euro. Đây chính là điểm sáng cho Mỹ trong năm nay.

HAI XU HƯỚNG NỔI BẬT

1. Hàng hóa dư thừa

Sau một vài năm đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng, giờ đây các nhà bán lẻ lại đang có quá nhiều hàng tồn kho. Walmart cho biết gần một phần tư kho hàng của họ là “ngoài dự tính”, vì đây là những kiện hàng vốn dĩ phải được ship đến từ vài tháng trước để dành cho những người phải ở nhà vì dịch. Hiện nay khách đã đi ra ngoài lại, hàng về, nhu cầu không còn, vậy nên phải tồn kho. Những thương hiệu bán lẻ yêu thích của giới thanh thiếu niên như Abercrombie và American Eagle ghi nhận mức tồn kho lớn hơn 40% so với năm ngoái. Còn Amazon và Target thì đang triển khai các sự kiện mua sắm lớn.

2. Kinh tế Nga phát triển

Ở Nga, Coca-Cola không còn nữa, mà hiện giờ là CoolCola. Các thương hiệu nhái tên đang mọc lên rất nhiều ở Nga sau khi những ông lớn phương Tây như Nike hay Coca-Cola rời thị trường Nga vì lệnh trừng phạt. Mặc dù chịu nhiều lệnh trừng phạt, thế nhưng kinh tế Nga vẫn phục hồi một cách đáng kinh ngạc. Đồng ruble tăng trở lại, đạt mức cao nhất trong bảy năm trở lại đây. Hàng hóa dồi dào trở lại nhờ sản xuất nội địa. Các cửa hàng McDonald’s trước đây được mở lại với phiên bản thương hiệu Nga, với 98% nguyên liệu địa phương.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.