Nghị quyết 126: Gỡ vướng gói vay trả lương cho người lao động

2021-10-16 16:13:16

Điều kiện về nợ xấu khiến doanh nghiệp khó tiếp cận gói vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động và phục hồi sản xuất, nay đã chính thức được gỡ bỏ tại Nghị quyết 126/NQ-CP.
Mở dần nút thắt
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ban hành Nghị quyết 126 sửa đổi Nghị quyết 68 về gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do COVID-19. Một trong những nội dung được sửa đổi liên quan tới chính sách cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất. Đây là gói quy mô 7.500 tỷ với quy định Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH) để cho vay lãi suất 0%.

Điều kiện về nợ xấu là một trong những “nút thắt” lớn khiến doanh nghiệp khó tiếp cận gói cho vay để trả lương ngừng việc (ảnh minh hoạ)

Theo Nghị quyết sửa đổi, Chính phủ bỏ điều kiện "doanh nghiệp không được có nợ xấu" mới được phép vay gói lãi suất 0%. Các điều kiện khác vẫn giữ nguyên.

Có thể thấy, điều kiện về nợ xấu là một trong những “nút thắt” lớn khiến doanh nghiệp khó tiếp cận gói này, bên cạnh yêu cầu về quyết toán thuế. Với chu kỳ quyết toán thuế 3-5 năm, nhiều doanh nghiệp chưa kịp quyết toán thuế năm 2020 cũng không đủ điều kiện để làm thủ tục vay vốn.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, bà Lâm Thuý Ái, Phó Tổng Giám Đốc Công ty TNHH SX-TM Mebipha nêu kiến nghị rằng: “Theo Nghị quyết 68/2021, Ngân hàng CSXH sẽ cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương nhân viên, nhưng khi phân tích lại thì vô cùng khó tiếp cận. Vì chính sách đòi hỏi doanh nghiệp phải có phương án sản xuất kinh doanh, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Điều đó là bất khả kháng mà không doanh nghiệp nhỏ và vừa nào có thể đáp ứng được”.

Đồng thuận với kiến nghị trên, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Tân Quang Minh (Bidrico) đánh giá, Nghị định 68 của Chính phủ về hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng CSXH là rất tốt. Các doanh nghiệp đã trông từng ngày để có được những khoản vay như vậy, tuy nhiên đến nay công ty đã đưa lên đưa xuống hồ sơ tới Bảo hiểm xã hội mà vẫn chưa được giải quyết. Có thể nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Theo ông Trần Văn Tiên, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM, về điều kiện, thủ tục vay vốn cũng như những điểm mới của Nghị quyết 68 để doanh nghiệp tiếp cận chính sách thì chính sách cho vay ngừng việc được quy định có hai dạng chính, đó là: Cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho lao động và cho vay để trả lương người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh.

Nếu vay để trả lương ngừng việc, người lao động của doanh nghiệp phải ngừng việc từ 15 ngày trở lên, đang tham gia bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp không có nợ xấu ở các tổ chức tín dụng trong, ngoài nước.

Đối với doanh nghiệp vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất, doanh nghiệp cần phải có yêu cầu tạm dừng hoạt động của cơ quan nhà nước, có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp phải có phương án, kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh, không có nợ xấu.

“Việc yêu cầu có phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh là vấn đề mới, không có mẫu hướng dẫn sẵn, tuy nhiên khá đơn giản khi doanh nghiệp chỉ cần nêu đã trải qua khó khăn gì, doanh nghiệp dự kiến sản xuất ra sao. Trong đó, cái quan trọng là doanh nghiệp dự định sử dụng các lao động muốn vay vốn để trả lương ra sao”, ông Tiên nói.

Doanh nghiệp cần tăng tính chủ động
Thực tế, tính đến cuối tháng 9, do những quy định khá chặt trên, gói 7.500 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 6%, chưa đến 1.000 khách vay vốn để trả lương cho hơn 130.700 lượt người lao động. Với việc gỡ vướng về điều kiện nợ xấu tại Nghị quyết 126, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng kỳ vọng gói này sẽ giải ngân nhanh khi doanh nghiệp quay trở lại guồng sản xuất.

Các doanh nghiệp cần nghiên cứu thông tin tóm tắt những nội dung về vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, sớm đăng ký nhu cầu vay vốn (ảnh minh hoạ)

Có thể thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ là đối tượng bị ảnh hưởng lớn và khó trụ vững bởi tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, ngoài khó khăn về cơ chế chính sách, còn nguyên nhân xuất phát từ phía doanh nghiệp. Ông Bùi Ngọc Hưng giám đốc Ngân hàng CSXH thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), cho biết sau khi rà soát, trên địa bàn thị xã có 351 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh, nhưng chỉ có 124 doanh nghiệp (bao gồm các hợp tác xã) tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong khi đó, đóng BHXH là một trong những điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn trả lương, phục hồi sản xuất.

Còn theo Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Duy Cường cho biết, các doanh nghiệp cần nghiên cứu tờ rơi tóm tắt những nội dung về vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, sớm đăng ký nhu cầu vay vốn bằng cách liên hệ qua điện thoại để ngân hàng chủ động hướng dẫn hồ sơ thủ tục vay vốn.

“Doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ vay qua đường bưu điện, hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc nộp trực tiếp tại trụ sở Ngân hàng CSXH tỉnh và các phòng giao dịch trực thuộc. Trong 4 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ngân hàng CSXH sẽ phê duyệt cho vay. Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận tái cấp vốn, Ngân hàng CSXH sẽ giải ngân đến doanh nghiệp”, ông Cường khuyến nghị.

Hồ sơ đề nghị vay vốn của doanh nghiệp, người sử dụng lao động bao gồm:

- Giấy đề nghị vay vốn (theo Mẫu 12a, 12b, 12c tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này);

- Danh sách NLĐ đang tham gia BHXH (theo Mẫu 13 a, 13b, 13c);

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã/hộ kinh doanh, quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có), giấy phép kinh doanh/giấy phép hoạt động/chứng chỉ hành nghề (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc pháp luật có quy định), giấy phép đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư (đối với doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài);

- Giấy ủy quyền (nếu có);

- Bản sao văn bản về việc NSDLĐ phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 1-5-2021 đến hết 31-3-2022 (đối với vay vốn trả lương phục hồi sản xuất - kinh doanh) hay phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất - kinh doanh đối với doanh nghiệp vay vốn trả lương phục hồi sản xuất.

- Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất - kinh doanh thì cung cấp thêm bản sao thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế. NSDLĐ tự kê khai, lập danh sách NLĐ, đề nghị cơ quan BHXH xác nhận có tham gia BHXH. Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách, cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH của NLĐ làm căn cứ để Ngân hàng CSXH cho vay. NSDLĐ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với danh sách này, có trách nhiệm hoàn trả vốn vay đầy đủ, đúng hạn cho Ngân hàng CSXH.

(Theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg)

Nguồn DDDN.