Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường thăm chính thức Nhật Bản

theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: VGP

Trong những năm qua, quan hệ ngoại giao, kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được mở rộng. Quan hệ Đối tác chiến lược của hai nước đã thiết lập vào năm 2009 và được nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á vào năm 2014.

Hiện nay, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD; trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XNK của Việt Nam với Nhật Bản đạt 24,5 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020. Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 với 4.690 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký là 62,9 tỷ USD, chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Nhật Bản đã thực hiện đăng ký vốn đầu tư đạt 3,2 tỷ USD.

Nhật Bản cũng chính là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, lao động, nông nghiệp, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa... đều phát triển mạnh mẽ. Giao lưu giữa các địa phương hai nước được mở rộng, giao lưu nhân dân diễn ra sôi nổi dưới nhiều hình thức.

Không dừng lại ở đó, Nhật Bản cũng là đối tác đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhất với Việt Nam như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) năm 2009; Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) năm 2008; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2019), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) năm 2020.

Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ chế hợp tác chính thức để giải quyết các nội dung kinh tế, thương mại gồm: Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa Việt Nam và Nhật Bản; Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản; sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam. Những nghĩa cử cao đẹp nêu trên là minh chứng sống động cho mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.

Dù tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn bày tỏ sự quan tâm của mình với thị trường Việt Nam và mong muốn được đến Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về thị trường và tiềm năng sản xuất của các doanh nghiệp Việt.

Quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản còn nhiều dư địa phát triển

Quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản còn nhiều dư địa phát triển

Do đó, trong cuộc phỏng vấn mới đây, ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản.nhận định, chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng không chỉ là một dấu lịch sử trong quan hệ hai nước, mà còn tạo đà chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2023, đồng thời phá vỡ “tảng băng” đại dịch đang ngăn cản phát triển kinh tế và giao lưu giữa hai nước, mở màn cho làn sóng phát triển mới toàn diện.

"Chuyến đi khẳng định cam kết của chính phủ Việt Nam là các địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển mở rộng nguồn cung sang Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua Việt Nam đã nỗ lực hết sức vừa đảm bảo phòng dịch, vừa tiếp tục duy trì điều kiện cần thiết cho các doanh nghiệp Nhật Bản duy trì sản xuất", ông Nam đánh giá.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, dư địa hợp tác thương mại giữa hai bên còn nhiều do cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và Nhật Bản mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp.

Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản các loại thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại... Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt, may, da...

Chính vì vậy, sự cân bằng và bổ trợ trong quan hệ thương mại giữa hai nước cho thấy quan hệ Việt-Nhật đã trở thành kiểu mẫu cho mối quan hệ hữu nghị, lợi ích cân bằng hài hòa, tạo nền tảng vững vàng cho sự hợp tác bền vững về kinh tế thương mại của hai nước.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi đã chia sẻ, để thâm nhập sâu rộng và bền vững vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua rào cản tiêu chuẩn nhập khẩu rất cao của thị trường.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu và thâm nhập kênh phân phối của Nhật Bản. Bên cạnh đó, Nhật Bản có hệ thống phân phối phức tạp với nhiều tầng lớp trung gian, hàng hóa Việt không dễ để có thể được bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng mà cần phải thông qua các đầu mối nhập khẩu lớn.

Việt Nam - Nhật Bản còn rất nhiều tiềm năng để phát triển quan hệ thương mại. Việc tham gia nhiều FTA và các cơ chế hợp tác sẵn có là cơ sở quan trọng để thúc đẩy hợp tác bền vững, mở ra nhiều thời cơ mới và đầy hứa hẹn trong việc phát triển thương mại song phương giữa hai nước. Dự kiến, nhu cầu của thị trường Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cao sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.