Gỡ bỏ "rào cản" cho doanh nghiệp logistics trong vận tải xuyên biên giới

2022-10-04 08:04:00

Những quy định bất hợp lý tạo rào cản và phát sinh chi phí, hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp logistics trong hoạt động vận tải xuyên biên giới cần được xoá bỏ.

>>> Sớm hoàn thiện Nghị định về kết nối, chia sẻ thông tin xuất nhập khẩu "gỡ khó" cho doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) vừa có kết luận Phiên họp lần thứ tám của Ủy ban 1899.

VLA đề nghị cấp có thẩm quyền kiến nghị với nước bạn gỡ bỏ hạn chế này để tạo điều kiện cho xe Việt Nam vận chuyển hàng hóa qua Lào.

Đáng lưu ý trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao nghiên cứu, đề xuất xử lý kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) về việc đề nghị Lào gỡ bỏ hạn chế đối với xe của Việt Nam khi vận chuyển container rỗng sang Lào phải có bảo lãnh của một doanh nghiệp Lào thì mới được vào Lào theo đúng quy định pháp luật.

Trao đổi với DĐDN về tồn tại này, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực VLA cho biết, hiện nay, phía cơ quan chức năng của Lào vẫn yêu cầu xe Việt Nam chở container rỗng vào Lào phải có bảo lãnh của một doanh nghiệp tại Lào mới được vào Lào nhận hàng. Đây là bất cập phát sinh chi phí 100-150 USD/container cho doanh nghiệp, là cách bảo hộ phi thị trường và trái với thông lệ quốc tế.

“Do đó, VLA đề nghị cấp có thẩm quyền kiến nghị với nước bạn gỡ bỏ hạn chế này để tạo điều kiện cho xe Việt Nam vận chuyển hàng hóa qua Lào”, ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.

Đồng thời đề xuất trường hợp Hải quan Việt Nam kiểm tra thực tế và phạt doanh nghiệp vận tải Việt Nam khi kiểm tra phát hiện hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì miễn trách cho đơn vị vận chuyển Việt Nam nếu đối với các vi phạm liên quan đến hàng hóa niêm phong.

Đặc biệt, theo quy định tại Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) thì các doanh nghiệp cần phải có bảo lãnh hải quan của Ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm cho các lô hàng quá cảnh thì khai báo mới được phê duyệt. Điều này khiến các doanh nghiệp vận tải Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do phát sinh thêm thủ tục và chi phí vì nếu khai theo cách quá cảnh nước nào khai quá cảnh ở nước đó như hiện tại thì các doanh nghiệp tại Việt Nam không phải làm thủ tục bảo lãnh.

>>> Phó Chủ tịch AFFA: ASEAN cần liên kết hợp tác để phát triển logistics

>>> Sớm hoàn thiện Nghị định về kết nối, chia sẻ thông tin xuất nhập khẩu "gỡ khó" cho doanh nghiệp

Do đó, kiến nghị các cơ quan chức năng Việt Nam xem xét miễn tiền bảo lãnh này có điều kiện. Hoặc quy định 1 số tiền bảo lãnh hợp lý và 1 thư bảo lãnh áp dụng cho 1 khoảng thời gian, ví dụ như 6 tháng hoặc 1 năm.

Doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng Việt Nam xem xét miễn tiền bảo lãnh này có điều kiện.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất xử lý kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam về việc các đơn vị phải bảo lãnh thông quan khi thực hiện hệ thống quá cảnh ASEAN (ACTS) theo đúng quy định pháp luật.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan tiếp tục rà soát để đề xuất cắt giảm các thủ tục, nhất là các thủ tục đã đưa lên một thời gian mà không sử dụng nhiều hoặc không có tác dụng. Đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp, nhất là của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), của VLA để nghiên cứu, đề xuất kiến nghị xây dựng chính sách, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.