Doanh nghiệp đường sắt “ngược dòng”

2022-07-06 10:06:00

Sau nhiều năm thua lỗ, ngành đường sắt bất ngờ ghi nhận tăng trưởng khá về cả mảng vận tải hành khách và hàng hoá.

>>> TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Nâng cao năng lực, sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa công bố doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 của tổng công ty và của khối vận tải dự kiến tăng trưởng khá.

Sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu liên vận đạt hơn 110.000 tấn trong 5 tháng đầu năm.

Cụ thể, doanh thu toàn tổng công ty (hợp nhất) dự kiến thực hiện được hơn 3.279 tỷ đồng, bằng 105,2% cùng kỳ 2021.

Riêng Công ty Mẹ, doanh thu dự kiến đạt hơn 988 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 22,5% cùng kỳ 2021, trong đó doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty Mẹ chưa bao gồm thu từ cung cấp dịch vụ dịch vụ sự nghiệp công từ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Doanh thu khối vận tải gồm thu trực tiếp từ hoạt động vận tải dự kiến hơn 1.729 tỷ, tăng trưởng hơn 38% so với cùng kỳ 2021.

Lý giải sự “lội ngược dòng” bất ngờ này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, kết quả khả quan này là do khi dịch Covid-19 được kiểm soát, mở cửa du lịch trên toàn quốc, vận tải hành khách đã từng bước phục hồi.

Một số sản phẩm dịch vụ mới được các công ty vận tải đường sắt hợp tác với các công ty du lịch hoàn thiện và đưa vào khai thác, thu hút khách, tăng doanh thu.

Điển hình là tuyến Hà Nội - Hải Phòng với mô hình kết hợp food tour Hải Phòng bằng đường sắt đang thu hút lượng hành khách rất lớn.

Cùng đó là các sản phẩm du lịch trọn gói tuyến Hà Nội - Quảng Bình, Huế, cho thuê toa xe khách cộng đồng phục vụ vui chơi, tổ chức tiệc trên tàu...

Nếu như sau đợt vận tải Tết Nguyên đán phải bãi bỏ hơn 200 đoàn tàu thì đến nay sản lượng vận tải hành khách của các công ty vận tải đã tăng dần đều. Thậm chí, trên tuyến Bắc – Nam cũng được bổ sung thêm nhiều chuyến tới các điểm như Nha Trang, Đà Nẵng, Vinh, Đồng Hới…phục vụ cao điểm hè.

Song song với thúc đẩy vận tải khách, vận tải hàng tiếp tục được duy trì. Tổ chức vận tải theo kế hoạch đối với các luồng hàng truyền thống, khối lượng lớn như Apatit, phân bón, than, gạo, muối…

Cụ thể, tính đến hết ngày 24/5, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu liên vận đạt hơn 110.000 tấn; trong đó, hàng nhập khẩu đạt 61.916 tấn, hàng xuất đạt 48.276 tấn.

Ưu tiên tổ chức chạy tàu hàng chuyên tuyến, vận chuyển hàng liên vận quốc tế. Ngoài ra chạy thêm các đoàn tàu hàng thường và tàu liên khu đoạn để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.

“Tuy sản lượng, doanh thu vận tải hành khách tăng trưởng so với cùng kỳ 2021 nhưng chưa khôi phục, chưa đạt được mức cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch”, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết.

>>> TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hướng dẫn xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thu hồi từ các dự án đầu tư

>>> “Bế tắc” vốn đường sắt

Tuy nhiên không phải tất cả đều lạc quan, đại diện Tổng công ty Đường sắt chỉ ra những rủi ro tới đây cho hoạt động của doanh nghiệp ngành đường sắt, Theo đó, giá nhiên liệu tăng cao gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong việc duy trì giá cước cạnh tranh với các phương tiện khác và cân đối chi phí sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, năng lực thông qua của tuyến Thống nhất không đáp ứng được yêu cầu của vận tải.

Ngành đường sắt đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng.

Cùng với đó, bãi hàng tại các ga đường sắt hạn chế cũng gây khó cho việc tăng sản lượng vận chuyển hàng hoá liên vận. Đồng thời, Chính sách chống dịch "Zero COVID-19" của Trung Quốc cũng gây mất rất nhiều thời gian trong làm thủ tục và kiểm soát dịch.

Trước thực trạng quá tải do năng lực hạ tầng các ga liên vận quốc tế thấp, không đáp ứng được nhu cầu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm xem xét bổ sung ga Kép (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) là ga liên vận quốc tế. Nếu ga Kép được nâng lên là ga quốc tế chắc chắn sẽ giảm tải rất nhiều cho ga quốc tế Yên Viên (Hà Nội). Qua đó, giúp nâng cao năng lực bốc xếp cũng như khả năng tiếp nhận vận chuyển hàng hóa liên vận.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đề ra mục tiêu 6 tháng cuối năm toàn tổng công ty hợp cộng đạt doanh thu hơn 3.863 tỷ đồng, bằng 105,4% so với cùng kỳ.

Được biết mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 303/TTg-ĐMDN gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp - cơ quan chủ quản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đồng ý để Tổng công ty Đường sắt thực hiện thu gọn đầu mối Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy từ 5 chi nhánh thành 3 chi nhánh; Chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người đang có tại 3 ban quản lý đường sắt khu vực 1, 2, 3 về 1 ban quản lý dự án đường sắt để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do VNR làm chủ đầu tư và chấm dứt hoạt động của 2 ban quản lý dự án còn lại.

Đặc biệt, Thủ tướng đồng ý để Tổng công ty Đường sắt hợp nhất Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn (Saratrans) thành 1 công ty cổ phần đồng thời giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại các doanh nghiệp, đơn vị nêu trên, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng cho ngành đường sắt, khi các hoạt động kinh doanh, sản xuất nhiều năm qua liên tục thua lỗ, ngày càng lún sâu vào khó khăn, khủng hoảng.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.