Doanh nghiệp du lịch "tiến thoái lưỡng nan"

2022-07-06 10:08:00

Ngành du lịch đang đối mặt với bài toán khó khi giá xăng dầu tăng mạnh đẩy chi phí đầu vào tất cả dịch vụ lên từ 10% - 30%, khiến cho các tour du lịch "đội giá" và du khách thì... "lắc đầu ngao ngán"!

>> Du lịch vẫn "ngóng" khách quốc tế

Đỉnh điểm cơn sốt du lịch mùa hè, hiện tại, giá các chặng bay nội địa giữa Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh của các hãng hàng không đều khá cao.

Vé máy bay giá "trên trời"

Theo đó, giá vé hạng phổ thông chặng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (đã bao gồm thuế phí) của Vietnam Airlines từ 2,4 triệu đồng đến hơn 3 triệu đồng/chiều; hạng thương gia hơn 8,6 triệu đồng. Giá vé của Vietjet cũng tăng từng ngày, chặng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (đã bao gồm thuế phí) hiện khoảng 2,2 - 2,6 triệu đồng/chiều với hạng vé ECO; hạng SkyBoss hơn 5,6 triệu đồng. Tương tự, giá vé chặng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (đã bao gồm thuế phí) của Bamboo Airways từ 3,9 - 7,1 triệu đồng/chiều tùy hạng vé.

Hiện tại, giá vé rẻ nhất trên các chặng bay nội địa đã lên mức 2,5 - 4 triệu đồng/khứ hồi, cao hơn khoảng 500.000 đồng/vé so với những cao điểm hè trước đó.

Các hãng hàng không cho biết, giá vé tăng do giá nhiên liệu, xăng dầu đắt đỏ và nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao sau dịch Covid-19.

Các hãng hàng không cho biết, giá vé tăng do giá nhiên liệu, xăng dầu đắt đỏ và nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao sau dịch Covid-19.

"100% không có tour du lịch giá rẻ"

Các doanh nghiệp du lịch đang cố gắng giữ giá tốt nhất cho du khách nhưng giá vé máy bay và các chi phí khác đều tăng khiến giá tour buộc phải tăng theo.

Ông Lê Hồng Thái - Phó tổng giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết, giá xăng tăng liên tục, nhu cầu du lịch của khách đạt đỉnh gần bằng với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng nhiều đến giá tour.

“Tôi khẳng định 100% không thể có tour giá rẻ trong thời điểm này. Vì thứ nhất giá vé máy bay ở nhiều chặng đã tăng gấp đôi, thứ hai các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống vận chuyển tại các điểm đến cũng đã tăng không ít nên giá không thể từ “10 đồng mà giảm xuống còn 2 đồng” được"- ông Thái cho biết.

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương, giá xăng tăng cao khiến doanh nghiệp du lịch như đang ngồi trên đống lửa. Công ty của ông phải đối mặt với tình huống rất khó xử: giá xăng tăng đẩy giá vận chuyển và ảnh hưởng nhiều đến giá tour nhưng nếu tăng giá tour thì khách hàng sẽ quay lưng.

"Doanh nghiệp rất khó trong việc xây dựng kế hoạch, tính giá thành, mọi thứ đều rất bị động. Việc chỉnh giá ảnh hưởng đến hạch toán nhiều bên, khiến khách hàng do dự, không hài lòng", ông Thủy cho biết.

Doanh nghiệp du lịch như "ngồi trên đống lửa" với bão tăng giá và nỗi lo khách hàng quay lưng.

Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp còn cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang có những kế hoạch tích cực trong việc mở cửa du lịch trở lại, việc các công ty lữ hành buộc phải xây dựng giá tour cao theo giá xăng dầu sẽ khiến chúng ta mất lợi thế điểm đến quốc gia.

Theo đó, các doanh nghiệp du lịch mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm có chính sách bình ổn giá xăng để giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, ngành du lịch và hàng không cần ngồi lại với nhau, tính toán giá vé phù hợp để hỗ trợ khôi phục thị trường du lịch.

Mới đây, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng này, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan này cũng đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng từ 20% xuống còn 12%.

Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp.