Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chia sẻ để vốn đầu tư công thực sự dẫn dắt đầu tư tư thì khâu quan trọng nhất chính là khả năng thực thi.
- Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chính của tiến độ giải ngân đầu tư công ì ạch thời gian qua?
Trong những năm vừa qua, việc triển khai các dự án đầu tư công chậm có 2 nguyên nhân, đó là chủ quan và khách quan. Về khách quan, dịch COVID-19 đã làm hạn chế khả năng triển khai các dự án trên thực tế. Giao vốn chậm còn có một số lý do:
Thứ nhất, năm nay là năm đầu nhiệm kỳ, việc chuẩn bị các danh mục dự án có khối lượng rất nhiều vì phải chuẩn bị cho cả 5 năm.
Thứ hai , đây là năm đầu nhiệm kỳ, trong khi Quốc hội đến tháng 5 họp thì mới thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn cả 5 năm. Như vậy, đến giữa năm mới thông qua được đầu tư công trung hạn 5 năm, sau đó mới phân khai ra thành của năm 2021.
Nếu như mọi năm, từ tháng 1 có kế hoạch thì sẽ không bị chậm, nhưng ở đây phải đến tháng 6 mới giao được trung hạn 5 năm, sau đó mới phân khai ra từng năm.
Thứ ba , năm nay đang có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo, trong quá trình bàn giao, những người mới tiếp cận công việc này phải cần có quá trình và thời gian để xem xét, nhìn nhận, sau đó mới tiếp tục công việc một cách trơn tru. Việc này cũng dẫn đến làm chậm triển khai dự án.
Tôi cho rằng, sang năm 2022 khi chúng ta bước vào triển khai kế hoạch của năm thì ngay từ đầu năm đã có chuẩn bị tiền đề tốt thì sẽ thuận lợi hơn.
- Ngoài những nguyên nhân khách quan, khâu chuẩn bị dự án, cũng được cho rằng chưa được “đến nơi đến chốn”, thưa ông?
Có một thực tế, đó là các dự án của chúng ta, đặc biệt là các dự án ODA sau khi đã giao vốn nhưng vẫn không thể triển khai do khâu chuẩn bị dự án rất kém. Vì có nhiều địa phương lập dự án chỉ cốt sao có tên của mình trong danh mục dự án, dự án được chuẩn bị một cách sơ sài chỉ với mục đích ghi vốn. Vướng mắc bắt đầu ngay từ khâu khảo sát, đánh giá hiệu quả thiết kế triển khai... Và do chuẩn bị sơ sài nên triển khai không được.
- Một số ý kiến còn cho rằng năng lực bộ máy cũng cần được phát huy hơn nữa, thưa ông?
Năng lực bộ máy thực thi cũng là một điểm nghẽn. Kể cả về trình độ quản lý dự án, triển khai dự án ở các cấp. Vì thực tế, các dự án khi được giao cho các cấp quản lý dự án triển khai, cũng có cấp có đội ngũ cán bộ được thiết kế tổ chức bộ máy bài bản. Nhưng cũng có nơi cán bộ từ những chuyên ngành khác chuyển sang. Chưa nói đến phẩm chất đội ngũ cán bộ. Đơn cử như việc đấu thầu, có rất nhiều trường hợp chỉ có một nhà thầu khi tham gia, sau đó phải chuyển sang chỉ định thầu. Biến tướng trong đấu thầu không còn mang lại hiệu quả thực chất, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp triển khai dự án một cách tối ưu, với chi phí thấp nhất, chất lượng tốt nhất.
- Đứng ở góc độ của Ủy ban tài chính, ông có đề xuất gì cho vấn đề giải ngân đầu tư công trong thời gian tới?
Các giải pháp thì chúng ta cũng đã có nhiều, vấn đề bây giờ là khâu thực thi.
Đặc biệt, có một vấn đề cần phải xác định và coi đó như đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công hay triển khai các chương trình dự án quan trọng quốc gia. Đó là, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đầu tư công khơi nguồn lực cho đầu tư tư nhằm huy động nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Còn nếu chỉ trông vào nguồn đầu tư công hạn hẹp, triển khai lại khó khăn, vướng mắc sẽ gây ra sự kìm hãm. Hơp tác công tư mặc dù đã có trong luật nhưng không đi được vào cuộc sống, vậy vướng mắc ở đâu thì phải nhanh chóng xem xét để xử lý, giải quyết. Theo tôi, vướng ở đây chính là phần công chưa thực sự là vốn mồi cho phần đầu tư tư. Nếu chỉ có đầu tư công, chúng ta đã tự giới hạn việc huy động các nguồn lực, làm tăng nguy cơ thất thoát, lãng phí tiêu cực do việc triển khai đầu tư công. Do đó, chúng ta phải nghiên cứu để khơi thông được điểm nghẽn này.
Yếu tố đột phá, nâng cao chất lượng hiệu quả đầu tư hiện nay là phải thu hút được các nguồn lực từ bên ngoài xã hội thông qua các dự án hợp tác công tư và các nhà đầu tư tư nhân vào cuộc.
- Trân trọng cảm ơn ông!