Không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính là ổn định giá trị đồng tiền mà việc điều hành chính sách tiền tệ còn hướng tới giảm bất bình đẳng trong thu nhập, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực chưa từng có đối với nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Sự phát triển của Việt Nam trong hơn 35 năm đổi mới rất đáng ghi nhận. Công cuộc đổi mới được thực hiện từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Việt Nam đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, thể hiện ở sự gia tăng thu nhập trung bình và số lượng người nghèo giảm đáng kể. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo cũng đang dần kéo giãn. Theo Cơ sở dữ liệu về bất bình đẳng thu nhập toàn thế giới, ở Việt Nam, hệ số Gini đã tăng từ 40,1% lên 42,2% trong vòng 22 năm từ năm 1992 đến năm 2014, cho thấy bất bình đẳng thu nhập đã tăng lên trong giai đoạn này. Từ 2002 đến 2018, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019, với hơn 45 triệu người thoát nghèo. Tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá). Đại bộ phận người nghèo còn lại ở nước ta là người dân tộc thiểu số, chiếm 86%.
Bất bình đẳng thu nhập đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Những tác động tiêu cực mà bất bình đẳng thu nhập gây ra với tăng trưởng kinh tế đã được hầu hết các nghiên cứu kết luận. Cùng với đó, bất bình đẳng thu nhập còn tác động đến các vấn đề xã hội.
Theo số liệu của Oxfam công bố năm 2017, trong giai đoạn từ năm 1992 đến 2012 tại Việt Nam, tỷ lệ Palma (tỷ lệ giữa phần thu nhập của nhóm 10% thu nhập cao nhất và nhóm 40% thu nhập thấp nhất) đã tăng 17%, từ 1,48 (năm 1992) lên 1,74 (năm 2012), cho thấy chênh lệch giữa hai nhóm này ngày càng được nới rộng.
Theo tiêu chuẩn quốc tế, các hộ gia đình được chia thành năm tầng lớp kinh tế dựa trên mức tiêu dùng hàng ngày, bao gồm: (1) người nghèo cùng cực, sống dưới 1,9 USD/ngày; (2) người nghèo vừa phải, tiêu dùng từ 1,9 - 3,2 USD/ngày; (3) người dễ bị tổn thương kinh tế, tiêu dùng 3,2 - 5,5 USD/ngày; (4) an toàn về kinh tế, tiêu dùng 5,5 - 15 USD/ngày; (5) tầng lớp trung lưu toàn cầu, tiêu dùng trên 15 USD/ngày.
Mức độ bất bình đẳng thu nhập còn được thể hiện qua chênh lệch giữa thu nhập của nhóm nghèo cùng cực và nhóm trung lưu toàn cầu. Năm 2016 thu nhập bình quân đầu người của nhóm 1 là 791.000 đồng, tăng bình quân 5,7% trong giai đoạn 2016 - 2019; nhóm 5 là 7,8 triệu đồng, tăng cao hơn ở mức 6,8% khiến cho năm 2016, thu nhập của nhóm 5 gấp 9,8 lần nhóm 1, và tới năm 2019 gấp 10,2 lần.
Tuy nhiên đến năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid -19 và hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội tới các đối tượng là người nghèo, lao động thất nghiệp, gia đình chính sách nên nhóm thu nhập thấp tăng 7,6% trong giai đoạn 2016 - 2020 nhanh hơn nhiều mức tăng 3,3% của nhóm thu nhập cao nhất, điều đó đã kéo theo sự chênh lệch thu nhập giữa 2 nhóm này chỉ còn 8 lần.
Theo World Bank (2018), tình hình bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, xuất hiện hoàn toàn ở khu vực nông thôn, với hệ số Gini tăng 0,8 điểm, trong khi không quan sát thấy sự thay đổi nào về bất bình đẳng ở khu vực thành thị. Trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2010, hệ số chênh lệch thu nhập giữa nhóm 5 và nhóm 1 ở khu vực nông thôn là 5,97 lần, thấp hơn so với khu vực thành thị. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến 2016, hệ số chênh lệch tăng lên mức 8,39 lần, cao hơn cả khu vực thành thị. Mức chênh lệch tuyệt đối giữa thu nhập của hai nhóm cũng kéo giãn từ mức 703,8 nghìn đồng lên mức 4,993 triệu đồng. Bên cạnh đó, tốc độ tăng thu nhập bình quân hàng năm của nhóm 5 cũng đạt mức cao nhất (40,7 %), trong khi nhóm 1 chỉ đạt mức tăng trưởng thấp nhất (33,4 %). Điều này cho thấy tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở nông thôn đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn và là nhân tố chủ đạo làm tăng bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam nói chung.
Do đó, nếu không có các giải pháp thích hợp nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo thì khi thu nhập càng được cải thiện, người nghèo sẽ càng có xu hướng bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư để đưa đất nước phát triển; năng lực quản trị hành chính, tài chính quốc gia ngày càng nâng lên, đáp ứng các chuẩn mực của quốc tế và khu vực; Nhà nước đang từng bước thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nhiều chương trình, kế hoạch khác, đồng thời quyết liệt thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,... Đây là những điều kiện, chính sách, giải pháp quan trọng để bảo đảm quyền lợi và nâng cao thu nhập, đời sống của người dân nói chung, trong đó có nhóm thu nhập thấp.
Chính sách tiền tệ là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng mà trong đó, ngân hàng Trung ương thông qua việc sử dụng hệ thống các công cụ của mình để tác động tới lượng tiền cung ứng nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế của quốc gia như bình ổn giá cả, tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm và các mục tiêu khác. Mục tiêu chính của chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là ổn định giá trị đồng tiền thông qua kiểm soát tỷ lệ lạm phát chứ không phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập.
Tuy nhiên, để theo đuổi các mục tiêu kinh tế vĩ mô, các công cụ mà Ngân hàng Nhà nước sử dụng có thể sẽ ảnh hưởng đến vấn đề này. Theo Furceri và cộng sự (2016), tác động của chính sách tiền tệ đối với bất bình đẳng thu nhập là không rõ ràng bởi các kênh truyền dẫn khác nhau có thể dẫn tới tình trạng bất bình đẳng tăng hoặc giảm.
Ví dụ, chính sách tiền tệ nới lỏng có thể làm tăng bất bình đẳng bởi trong tình trạng lạm phát cao, các hộ gia đình thu nhập thấp thường có khuynh hướng giữ nhiều tài sản lỏng hơn và do đó có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi lạm phát. Mặt khác, chính sách tiền tệ nới lỏng làm giảm lãi suất, qua đó mang lại lợi ích cho người đi vay - thường là những người ít giàu có - và làm giảm bất bình đẳng thu nhập. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ thắt chặt làm gia tăng bất bình đẳng trong tiền lương lao động, tổng thu nhập, tiêu dùng và tổng chi tiêu. Tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam đã tăng lên trong hai thập kỷ qua, trong khi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại có khả năng tác động đến tình trạng này.
Qua nghiên cứu, chính sách tiền tệ ngoài ý nghĩa quan trọng ổn định giá trị tiền đồng còn có thể tác động tới bất bình đẳng thu nhập trong xã hội. Vừa qua, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện một cú sốc về chính sách tiền tệ bằng việc tăng tốc độ cung ứng tiền, tình trạng bất bình đẳng thu nhập có thể giảm trong ngắn hạn, cụ thể là từ tháng 2 đến tháng 5.2020. Tuy nhiên, từ tháng 6.2020 trở đi, tác động này gần như bị triệt tiêu. Ngược lại, cú sốc chính sách tiền tệ thắt chặt lại mang đến tác động tiêu cực khi làm tăng bất bình đẳng thu nhập trong ngắn hạn.
Các biện pháp hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể thực hiện bao gồm: cần sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, xác định giảm bất bình đẳng thu nhập là một trong số các mục tiêu của chính sách tiền tệ; điều hành linh hoạt lãi suất theo xu hướng thu hẹp chênh lệch đầu vào đầu ra để giảm lãi suất cho vay khuyến khích sản xuất, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn nói chung và tích cực triển khai các chương trình tín dụng đặc thù như: cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay lúa gạo, thủy sản, hướng tới cả các khu vực chưa có mạng lưới ngân hàng; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nguồn vốn nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn trên tinh thần tiếp cận bình đẳng; tiếp tục đẩy mạnh phát triển tài chính vi mô và tăng cường thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ nhằm hướng tới giảm bất bình đẳng thu nhập thông qua kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền lương với chính sách tiền tệ, giúp giữ ổn định quan hệ cung cầu trong nền kinh tế đối với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu để tránh tăng giá sốc, nâng cao hiệu quả phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện ở các lĩnh vực và cải thiện chất lượng tăng trưởng.
Để đạt mục tiêu đó, sự phối kết hợp này cần có các mục tiêu cụ thể: thứ nhất, tăng cường huy động các nguồn lực trong nước và cân bằng tình trạng ngân sách để tăng sự phân bổ nguồn lực cho các dịch vụ công nhằm chống lại bất bình đẳng thu nhập; thứ hai, thực hiện cải cách hệ thống thuế quốc gia theo hướng luỹ tiến hơn; thứ ba, tăng mức lương tối thiểu nhằm đảm bảo mức sống của người dân và mở rộng các chính sách bảo hiểm xã hội đến tất cả người lao động; thứ tư, thu hẹp khoảng cách tiền lương về giới, các khu vực; thứ năm, thiết kế các chính sách và chương trình cụ thể cho các nhóm dân cư yếu thế và hỗ trợ nhiều hơn cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn; thứ sáu, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước để tạo ra một môi trường thể chế cho chính sách công công bằng hơn.
Theo Cafef
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...