Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thêm Quỹ ETF mới từ Singapore, CGS Fullgoal Vietnam 30 Sector Cap ETF, với tổng huy động ước tính ban đầu vào khoảng 5 triệu USD (118 tỷ đồng).
Cụ thể, dòng tiền ETF vào ròng trong tháng thứ 2 liên tiếp, với giá trị 430 tỷ đồng trong tháng 7, nâng tổng giá trị vốn vào ròng trong năm 2023 lên 5,27 nghìn tỷ đồng.
Nhóm quỹ ETF nội đảo chiều vào ròng 200 tỷ đồng trong tháng 7 sau khi bị rút ròng 95 tỷ đồng trong tháng 6. Giao dịch tích cực chủ yếu nhờ sự đóng góp của hai quỹ VFM VN30 (+63 tỷ đồng) và KIM Growth VN30 (+248 tỷ đồng), cả hai quỹ này đều nhận được dòng tiền từ quỹ KIM Kindex Vietnam VN30 khi quỹ này gián tiếp đầu tư thêm 1,27 nghìn tỷ đồng trong tháng 7, bù đắp lại phần vốn bị rút ra của các nhà đầu tư Thái Lan thông qua chứng chỉ lưu ký DR E1VFVN30.
Ngược lại, hai quỹ VNDiamond (-69 tỷ đồng) và VNFIN Lead (-46 tỷ đồng) đảo chiều sang rút ròng nhưng giá trị không quá lớn.
Ở nhóm ETF ngoại, dòng vốn cũng phân hóa khá rõ nét. Trong khi hai quỹ Fubon (-176 tỷ đồng) và iShares (-157 tỷ đồng) tiếp tục bị rút ròng, thì dòng tiền vào khá tốt ở các quỹ còn lại như VanEck (+384 tỷ đồng), FTSE Vietnam (+33 tỷ đồng), Global X (+36 tỷ đồng), và đặc biệt là quỹ KIM Kindex Vietnam VN30 (+1,27 nghìn tỷ đồng) đầu tư theo hình thức gián tiếp.
SSI Research cho rằng tín hiệu tích cực của dòng vốn ETF trong tháng 8 là sự xuất hiện của Quỹ ETF mới từ Singapore với tổng huy động ước tính ban đầu vào khoảng 5 triệu USD (118 tỷ đồng). Đó là CGS Fullgoal Vietnam 30 Sector Cap ETF, có kế hoạch niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) và đầu tư duy nhất vào thị trường Việt Nam.
Theo bản cáo bạch niêm yết, ETF này sẽ huy động tối thiểu 5 triệu USD (khoảng 110 tỷ đồng) với mục tiêu mô phỏng sát nhất hiệu suất của chỉ số iEdge Vietnam 30 Sector Cap Index.
iEdge Vietnam 30 Sector Cap Index được thiết kế để theo dõi 30 công ty lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất tính theo giá trị vốn hóa thị trường niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Vốn hóa thị trường thả nổi tự do có cân nhắc giới hạn sở hữu nước ngoài với giới hạn tỷ trọng cổ phiếu tối đa là 10% và giới hạn ngành tối đa là 25%.
Hiện Top 10 cổ phiếu lớn nhất trong rổ chỉ số có 5 cái tên trong nhóm tài chính gồm 3 công ty chứng khoán SSI (SSI), VNDirect (VND), Vietcap (VCI) và 2 ngân hàng BIDV (BID), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Ngoài ra, còn có những blue-chips trong bảng đầu thị trường về vốn hóa như Vinhomes (VHM), Hòa Phát (HPG), Vinamilk (VNM), Vingroup (VIC) và Masan (MSN).
Theo đó, TTCK Việt Nam ngày càng chứng tỏ sức hút với các quỹ ETFs ngoại khi cùng với Fubon FTSE Vietnam ETF từ Đài Loan đã gia nhập và rót vốn bền bỉ từ 2021, còn có VanEck Vietnam ETF, FTSE Vietnam ETF, KIM Growth VNFinSelect ETF, Pyn Elite Fund… Bên cạnh đó là một loạt quỹ ETF nội.
Các chuyên gia Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư - SSI nhận định, nhìn chung, xu hướng đầu tư vào các quỹ ETF của Việt Nam trong dài hạn vẫn khá tích cực, đặc biệt là từ các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân nước ngoài.
Tuy nhiên cần lưu ý là xu hướng dòng tiền của các quỹ ETF phụ thuộc khá nhiều vào tâm lý của NĐT cá nhân và trong quá khứ, dòng tiền sẽ chỉ vào mạnh khi (1) thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh hoặc (2) thị trường xác nhận xu hướng tăng rõ rệt.
Trước đó, ông Petri Deryung, nhà quản lý quỹ Pyn Elite Fund (Quỹ từ Phần Lan) cũng nhắn nhủ cổ đông về triển vọng đầu tư của TTCK Việt Nam. Ông cho biết tổng tài sản quỹ ngoại đang có hiệu suất khả quan trong năm nay. Cụ thể, giá trị tài sản ròng (NAV) quỹ tăng từ 395 triệu USD và con số cập nhật mới nhất vượt 443 triệu USD. Tỷ suất sinh lợi đã đạt 12%.
Đại diện Pyn Elite Fund nhận định là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chậm trong nửa đầu năm, với mức tăng chỉ 4% của GDP; Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết thấp hơn giai đoạn bình thường.
Tuy nhiên, người đứng đầu quỹ Pyn Elite Fund vẫn kỳ vọng thị trường chứng khoán vẫn trong xu hướng đi lên, vì lãi suất của Việt Nam đã giảm đáng kể suốt những tháng đầu năm, và lãi suất giảm sẽ tạo thêm động lực cho kinh tế trong năm 2024. Trong quý III, lãi suất dự kiến đạt mức 6%. Tăng trưởng thu nhập của các công ty niêm yết sẽ tăng tốc và việc tái phân bổ vốn trở lại TTCK sẽ tiếp tục.
Về dài hạn, các chuyên gia nhìn chung đều dự báo TTCK Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là điểm đến của dòng tiền ETF, đặc biệt là ETF ngoại, nhất là khi các nhà quản lí đang chứng tỏ quyết tâm bằng các hành động, quyết sách cải thiện, sẵn sàng cho việc thúc đẩy thị trường tiến đến đáp ứng các tiêu chí nâng hạng TTCK mới nổi trong tương lai.
Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...