VCCI NGHỆ AN: HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN THÁO GỠ VƯỚNG MẮC CHO DOANH NGHIỆP

2021-08-16 12:37:12

Với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương hiểu rõ và thực hiện đầy đủ các quy định mới về các chính sách BHXH, BHYT, BHTN năm 2021; đồng thời để các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của Nhà nước được thực thi hiệu quả, Chi nhánh VCCI Nghệ An đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với nội dung: Chính sách mới về BHXH, BHYT, BHTN năm 2021 và giải đáp vướng mắc về Gói hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ vào ngày 14/08/2021.

Ảnh từ Nguyễn Duy

Tham dự Hội nghị, về phía Cơ quan Trung ương có ông Trần Hải Nam Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội , bà Đào Thị Kim Hoa Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh VCCI tại Nghệ An ; về phía Sở, ngành tỉnh Nghệ An có ông Bùi Văn Hưng Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội , ông Lê Văn Thức – Phó Giám đốc BHXH tỉnh, ông Nguyễn Văn Vinh – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh ; về phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An có ông Trần Anh Sơn Phó Chủ tịch Hiệp hội ; về phía UBND thành phố Vinh có ông Hà Thái Sơn – Trưởng phòng Kinh tế cùng các cán bộ chuyên môn các Sở, ngành và gần 300 đại diện các doanh nghiệp tại Nghệ An, Hà Tĩnh.

Phát biểu khai mạc, bà Đào thị Kim Hoa cho biết, sau một thời gian được kiểm soát tốt, dịch Covid-19 lại xuất hiện nhiều ca bệnh lây lan trong cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đang bị tác động rất lớn, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Nghị quyết 68 của Chính phủ được ban hành, là niềm mong đợi của cộng doanh nghiệp trên cả nước nói chung và doanh nghiệp Nghệ An nói riêng. Tuy nhiên, để các chính sách của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực, đòi hỏi chúng ta phải có sự thống nhất trong cách hiểu cũng như cách triển khai các quy trình thủ tục liên quan” , bà Hoa chia sẻ.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã phần nào kịp thời hỗ trợ họ ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn cho người lao động.

Một số kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ

Tại Hội nghị, ông Trần Hải Nam – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH đã trình bày một số điểm mới về BHXH, BHYT, BHTN năm 2021. Trong đó, có văn bản mới ban hành như: Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc (có hiệu lực từ ngày 01/9/2021) .

Ảnh từ Nguyễn Duy

Ngoài ra, nhiều chính sách về BHXH có hiệu lực từ 01/01/2021 cũng rất đáng được chú ý, nhất là với người lao động sắp nghỉ hưu đã được ông Nam trình bày rất cụ thể, rõ ràng: thay đổi cách tính tỷ lệ lương hưu đối với nam; điều chỉnh mức lương hưu đối với nữ; thay đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần; điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính hưởng BHXH; tuổi nghỉ hưu… và các Nghị định rất quan trọng khác về mức đóng BHXH bắt buộc, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.

Đặc biệt, ông Nam tái khẳng định sự cần thiết và kịp thời của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Theo đó, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN đã có khoảng 375.000 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,2 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng để doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động phòng, chống dịch; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất (HTTT) đã có 22/63 tỉnh, thành phố thực hiện chính sách tạm dừng đóng với 136 đơn vị người sử dụng lao động cho 17.657 người lao động với tổng số tiền tạm dừng trên 108 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động đang được các địa phương rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương đã được Cơ quan BHXH xác nhận cho 124.001 người lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương tại 10.687 đơn vị sử dụng lao động để làm cơ sở để UBND các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ. Đến nay, 21/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt và chi trả cho gần 48.000 lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương với gần 98,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số chính sách khác cũng đã và đang tác động tích cực, trực tiếp tới nhiều đối tượng, như: chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, chấm dứt HĐLĐ; chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ tiền ăn và trẻ em; chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách cho vay trả lương ngưng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết HĐLĐ (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác đã có 37/63 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách gần 765.000 lao động tự do và một số đối tượng khác (trong đó có trên 100.000 người bán lẻ vé xổ số lưu động). Trong đó, 20/63 tỉnh, thành phố đã chi trả hỗ trợ trên 560.000 người với tổng số kinh phí gần 790 tỷ đồng.

Nỗ lực từ phía chính quyền

Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, ông Bùi Văn Hưng – Phó Giám đốc Sở khẳng định, năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid 19. Đến ngày 01/6/2021, toàn tỉnh đã có 658.233 đối tượng, 849 doanh nghiệp/cơ sở, hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ. Tổng kinh phí hỗ trợ là 605.420 triệu đồng; số doanh nghiệp/cơ sở, hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ là 849 hộ, kinh phí đã hỗ trợ là 2.010 triệu đồng. Cơ quan BHXH đã giải quyết tạm dừng đóng quỹ HTTT cho 84 đơn vị, doanh nghiệp và 2.614 lao động, kinh phí đã giải quyết hơn 5.664 triệu đồng.

Năm 2021, ngay sau khi Nghị quyết số 68/NQ- CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 386/KH- UBND ngày 15/7/2021 chỉ đạo triển khai thực hiện 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn; đồng thời, tỉnh đã ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND ngày 09/8/2021 hỗ trợ cho 09 nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, của UBND tỉnh, các Sở, ngành đã cụ thể hóa, triển khai thực hiện. Đến nay, 21/21 huyện, thành, thị; các cơ quan có liên quan đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn thực hiện.

Tiến độ thực hiện

Về tiến độ thực hiện, tính đến ngày 13/8/2021 đã có 07/12 chính sách thực hiện trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các cấp, các ngành đang tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định. Tổng số đối tượng được hỗ trợ (đợt 1 và 2) 143 người, kinh phí hỗ trợ là: 414 triệu đồng. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN cho 6.966 doanh nghiệp với 148.518 lao động, kinh phí hỗ trợ là 7.045 triệu đồng; hỗ trợ 07 doanh nghiệp tạm dừng đóng quỹ HTTT cho 574 người lao động với kinh phí hỗ trợ 5.790 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã phê duyệt và giải ngân cho 07 doanh nghiệp tại 06 huyện vay vốn, hoàn tất thủ tục giải quyết để trả lương cho 305 lao động, kinh phí cho vay là 1.241 triệu đồng.

Tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp

Ảnh từ Nguyễn Duy

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại Nghệ An, ông Trần Anh Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề nghị các cấp chính quyền hỗ trợ hết mình để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sự ổn định, giảm tỷ lệ phá sản. Bên cạnh đó, các Sở, ngành cần có các chủ trương, chính sách kịp thời; tập hợp những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp giúp cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương vượt qua cơn bão Covid này, ông Sơn kiến nghị.

Các doanh nghiệp tham dự Hội nghị đã có nhiều ý kiến và những thắc mắc liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN, quỹ HTTT; thủ tục và thời gian hưởng trợ cấp nghỉ việc không hưởng lương trong thời gian giãn cách; chính sách hỗ trợ Covid cho ngành may mặc; tạm dừng HĐLĐ không trả lương… và rất nhiều câu hỏi khác đã được các chuyên gia trả lời súc tích, ngắn gọn và đầy đủ. Những thắc mắc tiếp theo sẽ được Chi nhánh VCCI Nghệ An tập hợp, phân loại và gửi ngành chức năng để được trả lời thỏa đáng./.

Phan Duy Hùng – Chi nhánh VCCI Nghệ An.