Nghệ An với chính sách và hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp trong hội nhập

2020-10-21 09:17:28

Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 diễn ra với tốc độ nhanh chóng đã và đang làm thay đổi bối cảnh toàn cầu. Theo đó, mô hình kinh doanh, những khái niệm về kinh tế cũng thay đổi một cách căn bản, tác động sâu sắc đến các hoạt động kinh tế - xã hội cả tích cực lẫn tiêu cực. Nếu biết tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức, Nghệ An sẽ có thể thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh khác và sớm trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá trong khu vực phía Bắc như mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh.

Nắm bắt được xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ rất kịp thời và có hiệu quả như: ưu đãi về vốn, thuế suất… cùng với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong đó có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ & vừa (DNNVV) và nhiều Nghị định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; đặc biệt là Nghị quyết 35 của Chính phủ tiếp tục được triển khai đồng bộ trên các nhóm nhiệm vụ trong Nghị quyết như: Cải cách hành chính, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp… đã góp phần hỗ trợ, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV phát triển, đáp ứng phần lớn các yêu cầu hội nhập quốc tế.
Trong những năm qua, cùng với nỗ lực chung của cả nước, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nghệ An đã tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để doanh nghiệp phát triển và hoạt động có hiệu quả. Nhờ đó, doanh nghiệp Nghệ An ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng lẫn quy mô. Số lượng doanh nghiệp tăng đã góp phần quan trọng trong việc thu hút lao động tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2019, tổng thu từ khối doanh nghiệp ước đạt gần 7.500 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 48% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đáng chú ý là, giai đoạn 2016 - 2019, số doanh nghiệp thành lập mới tăng bình quân hơn 9%/năm, đặc biệt là giai đoạn 2016 – 2018, doanh nghiệp tăng mạnh với tỷ lệ lên đến 11,9%/năm do tác động khởi nghiệp mạnh mẽ từ Luật Doanh nghiệp, Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 10 - NQ/TW và chuỗi Nghị quyết 19/NQ-CP.

Tuy nhiên, công bằng mà nói thì bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận nói trên, chúng ta cần nhìn thẳng vào những tồn tại, điểm yếu cần phải được khắc phục. Mặc dù số lượng doanh nghiệp Nghệ An nằm trong Top 10 cả nước, nhưng trong số hơn 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì trên 98% là DNNVV. Phần lớn trong đó là các doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý hạn chế, thiếu lao động kỹ thuật có trình độ cao, sức cạnh tranh kém; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy cao nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, khó có khả năng tồn tại và hoạt động hiệu quả; sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn rời rạc, thiếu gắn kết giữa các doanh nghiệp nhỏ với các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, nhất là với các doanh nghiệp FDI, thậm chí “đối trọng” nhau; mức độ tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị trong nước và khu vực còn khiêm tốn cả về số lượng lẫn chất lượng…

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của Nghệ An dù có nhiều thay đổi tích cực nhưng chưa thực sự hoàn chỉnh và bền vững. Công tác cải cách hành chính vẫn còn một số hạn chế; trình độ chuyên môn của không ít công, viên chức còn chưa đạt yêu cầu, tình trạng “trên bảo dưới không nghe”; tình trạng vi phạm đạo đức công vụ, sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn đâu đó.

Cùng với việc thiết lập, xây dựng và củng cố một nền hành chính liêm chính, minh bạch, kiến tạo và phục vụ nhằm phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư hiệu quả thì bên cạnh các cơ chế, chính sách phù hợp, tỉnh Nghệ An cần phải tạo ra một Hệ sinh thái để hỗ trợ doanh nghiệp trong hội nhập. Để có một Hệ sinh thái đa dạng, hiệu quả thì không chỉ đòi hỏi những nỗ lực và sáng tạo của Lãnh đạo chính quyền mà chính Lãnh đạo doanh nghiệp cần phải thay đổi lối tư duy mới về kinh doanh trong thời kỳ hội nhập kinh nhằm xây dựng một mô hình mới.

Về phía chính quyền, muốn xây dựng một Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả thì ngoài việc cải thiện, kiến tạo một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, chính quyền cần triển khai một số giải pháp đồng bộ như:

Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo bằng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp lý, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được tham gia vào việc hình thành Hệ sinh thái khởi nghiệp mà ở đó, họ được “tắm mình” vào môi trường sinh thái tốt nhất để có thể đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững;

Tiếp tục công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp, trong đó tập trung giải quyết kiến nghị, những bất cập làm cản trở doanh nghiệp đồng thời xử lý nghiêm những công, viên chức nhũng nhiễu, suy thoái, vòi vĩnh gây phiền toái cho doanh nghiệp;

Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội Doanh nghiệp và VCCI tại địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kiến thức quản trị kinh doanh, xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại trong CMCN 4.0 và xác định được mục tiêu phát triển thông qua các hoạt động tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, tư vấn. Thực tế trong những năm vừa qua, VCCI và các Hiệp hội Doanh nghiệp đã phối hợp với chính quyền làm rất tốt các hoạt động này và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Nếu duy trì tốt điều này còn khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp;

Tạo mọi điều kiện giúp doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và khu vực bằng các hành động cụ thể, hiệu quả. Đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất trên quy mô toàn cầu nhưng cũng là một cơ hội mới cho chính quyền và bản thân doanh nghiệp định hình, xây dựng lại chuỗi giá trị liên kết mới từ chính những đối tác mới;

Kiên quyết xây dựng và duy trì sự ổn định, bền vững môi trường kinh doanh. Với một tỉnh lớn, đa dạng và có nhiều thuận lợi như Nghệ An thì đây là yếu tố vô cùng quan trọng để kêu gọi và thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI mà cho đến nay chúng ta chưa hẳn đã thực sự làm tốt vấn đề này. Một môi trường kinh doanh ổn định, an toàn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững và ổn định lâu dài. Về vấn đề này, môi trường kinh doanh của Trung Quốc vừa qua là một bài học khi mà nhiều nhà đầu tư lớn dần dần rút về nước hoặc chuyển sang một nước thứ ba.

Về phía doanh nghiệp, để hoàn thiện và xây dựng một Hệ sinh thái doanh nghiệp ổn định, bền vững và có hiệu quả thì ngoài những nỗ lực từ phía chính quyền, chính bản thân doanh nghiệp phải đổi mới tư duy về kinh doanh và xác định được mình phải làm gì và làm như thế nào.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị còn rất hạn chế. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp, Tập đoàn lớn trong đó có doanh nghiệp FDI thường có sẵn Hệ sinh thái và chuỗi cung ứng riêng để tránh phụ thuộc vào các doanh nghiệp địa phương nơi mà họ đầu tư. Với quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất manh mún như các doanh nghiệp tại Nghệ An thì để tham gia vào chuỗi giá trị địa phương hay khu vực là một bài toán nan giải mà bên cạnh sự hỗ trợ phần nào của chính quyền, các doanh nghiệp cần phải nỗ lực và tự vươn lên.

Hệ sinh thái doanh nghiệp càng không thể tách rời văn hoá doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được hình thành và phát triển cùng với quá trình phát triển của doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị cốt lõi, phong cách quản lý, các quy tắc, hành vi ứng xử, phương thức kinh doanh và thái độ của mọi thành viên trong chính doanh nghiệp. Không ít các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV ít coi trọng vấn đề này và hơn bao giờ hết, đây cũng là cơ hội cho một “cuộc cách mạng văn hoá” trong doanh nghiệp mà khởi đầu phải từ lãnh đạo doanh nghiệp.

Cùng với xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, doanh nghiệp luôn được xác định là đối tượng quan trọng của nền kinh tế, đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, ổn định xã hội. Vậy nên, ngoài những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, chính quyền cần tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nữa; một nền hành chính minh bạch, liêm chính hơn nữa; một Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp giống như bất cứ một hệ sinh thái tự nhiên nào mà ở đó, doanh nghiệp mới là chủ thể, tự sinh tồn bằng những kiến thức và kỹ năng sống của mình đúng như tinh thần của chiến lược gia lừng danh James F. Moore trên Tạp chí Harvard Business Review: “Trong Hệ sinh thái doanh nghiệp, các doanh nghiệp phát triển cộng sinh xung quanh một sự đổi mới: cùng hợp tác nhưng đồng thời cùng cạnh tranh nhau nhằm hỗ trợ và phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu khách hàng và cuối cùng là kết hợp để tạo ra những cải tiến tiếp theo”./.

Phan Duy Hùng (Chi nhánh VCCI Nghệ An)