Tín dụng tiêu dùng cho thấy tốc độ thu hẹp chậm hơn nhiều trong quý 2/2023 so với các quý trước; đi cùng lãi suất trong nước giảm đã cải thiện khả năng chi trả của người tiêu dùng.
Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đang tận hưởng thời kỳ huy hoàng khi giá gạo xuất khẩu tăng 16,1% tính từ đầu năm, vượt qua mức đỉnh năm 2021 để thiết lập mức cao nhất trong thập kỷ đạt 541 USD/tấn. Mức tăng giá mạnh được thúc đẩy bởi một loại các hạn chế đối với xuất khẩu gạo của chính phủ Ấn Độ để kìm hãm giá gạo nội địa tăng cao do thời tiết khắc nghiệt. Trước đó, vào tháng 9 năm 2022, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất với 39% thị phần, đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu gạo non-basmati do mưa kém làm giảm diện tích trồng lúa. Vào ngày 20/7/2023, chính phủ cho biết họ sẽ cấm xuất khẩu gạo non-basmati, loại gạo chiếm tới 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ, do mưa gió mùa lớn đang gây thiệt hại cho mùa màng. Đây là lệnh cấm đầu tiên kể từ cuối năm 2007 khi các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam chứng kiến giá gạo tăng gấp ba lần từ 2008.
Giá gạo xuất khẩu tăng cao nhất trong một thập kỷ, có thể là cơ hội cho ngành gạo xuất khẩu nhưng có nguy cơ tăng lạm phát dù trọng số trong rổ tính CPI của gạo chỉ chiếm 2,55%
Có thể nói, một loạt hạn chế xuất khẩu gạo từ chính phủ Ấn Độ đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao nhất trong một thập kỷ, tác động đến giá gạo trong nước và làm tăng nguy cơ lạm phát trong thời gian tới.
Dữ liệu ghi nhận xuất khẩu gạo đã lập kỷ lục mới về khối lượng trong nửa đầu năm 2023 nhờ giá xuất khẩu thuận lợi. Điều này làm tăng giá gạo bán lẻ trong nước và kịch bản này có thể sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn, từ đó làm tăng lạm phát lương thực cũng như lạm phát toàn phần vì lương thực, thực phẩm là nhóm đóng góp lớn nhất với tỷ trọng 33,56%. Thực tế, lạm phát lương thực (trong đó 70% là gạo) vẫn ở mức rất cao trong khi các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác đã mất đỉnh vào cuối năm ngoái.
Trong ngắn hạn, giá gạo sẽ là một trong những yếu tố chính gây lạm phát trong nước và cần được theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, rủi ro có thể kiểm soát được, theo quan điểm của chúng tôi vì: 1) Việt Nam có thể áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu đặc biệt tương tự để đảm bảo an ninh lương thực trong nước như đã làm vào tháng 4 năm 2020; 2) có thể áp dụng các biện pháp hành chính hoặc tài chính do gạo là 1 trong 9 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá; 3) sản lượng lúa có khả năng duy trì mạnh với tác động hạn chế từ El-Nino như trong các năm 2015-16, 2019-20 và như dự báo của USDA; và 4) giá lương thực địa phương có xu hướng ít biến động hơn và tương quan thấp với giá lương thực toàn cầu.
Thực tế, chúng tôi thấy có mối tương quan thấp giữa lạm phát lương thực địa phương và lạm phát lương thực toàn cầu trong 10 năm qua. Giá trong nước có xu hướng ổn định hơn so với giá toàn cầu. Hơn nữa, tác động trực tiếp của việc tăng giá gạo cũng có thể kiểm soát được do lương thực chỉ đóng góp 3,67% trong rổ tính CPI, trong đó gạo chiếm 2,55%. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát trong ngắn hạn.
Trong khi đó, thị trường ngoại hối vẫn bình lặng ngay cả sau bốn lần cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và bốn lần tăng lãi suất của Fed. Hai diễn biến này có thể sẽ giúp NHNN Việt Nam duy trì chu kỳ nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Nền kinh tế yếu trong nửa đầu năm 2023 đã phủ bóng đen lên hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết.
Với tiêu dùng cuối cùng đóng góp 2/3 GDP của Việt Nam (2022), kết quả kinh doanh của ngành bán lẻ và các doanh nghiệp liên quan phản ánh phần nào bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế nói chung. Theo đó, phản ánh đúng tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm 3,72% so với cùng kỳ như trong 6 tháng đầu 2023 - mức tồi tệ thứ hai trong 10 năm qua - các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết đã bị sụt giảm doanh thu 11% so với cùng kỳ và lợi nhuận giảm 80% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do lợi nhuận sụt giảm của các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu như Thế Giới Di Động (MWG) giảm 98% so với cùng kỳ và khoản lỗ lớn bất ngờ tại FPTShop (FRT).
Mặc dù các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết vẫn thận trọng bằng cách giảm lượng hàng tồn kho hơn nữa trong quý 2/2023, nhưng báo cáo tài chính quý 2/2023 của Thế Giới Di Động (MWG), doanh nghiệp bán lẻ ICT và CE lớn nhất, cho thấy triển vọng tươi sáng hơn cho ngành trong các quý tới. MWG duy trì số lượng nhân viên hơn 68.000 người vào cuối quý 2/2023, gần như không thay đổi so với quý trước sau khi giảm 6.000 nhân viên mỗi quý trong quý 4/2022 và quý 1/2023. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu tăng dự trữ hàng tồn kho trong quý 2/2023 sau khi giảm dự trữ hàng tồn kho trong 4 quý liên tiếp. Theo quan điểm của chúng tôi, điều này sẽ báo hiệu tốt cho việc kinh doanh phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Một lưu ý tích cực khác, tín dụng tiêu dùng cho thấy tốc độ thu hẹp chậm hơn nhiều trong quý 2/2023 so với các quý trước. FE Credit, nhà cho vay tiêu dùng lớn nhất, báo cáo dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ giảm 2% so với quý trước trong quý 2/2023, thấp hơn mức giảm theo quý 10% và 15% lần lượt trong quý 1/2023 và quý 4/2022. Lãi suất trong nước giảm đã cải thiện khả năng chi trả của người tiêu dùng, qua đó tăng khả năng chi tiêu của họ.
Nửa cuối năm thường bận rộn hơn 6 tháng đầu năm đối với tiêu dùng không thiết yếu. Các nhà bán lẻ ô tô địa phương thường thấy doanh số giảm sau kỳ nghỉ Tết dài đầu năm trước khi bắt đầu tăng sau giữa năm. Trong khi người tiêu dùng trong nước có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho du lịch và dịch vụ trong mùa hè, thì chi tiêu hàng hóa không thiết yếu thường cải thiện cho đến hết Tết Nguyên đán.
Bất chấp suy thoái kinh tế đang diễn ra, chúng tôi kỳ vọng mẫu hình tiêu dùng có tính mùa vụ như vậy sẽ tiếp tục trong năm nay, giúp củng cố sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2023. Chi tiêu cao hơn làm tăng thu nhập, từ đó nâng cao chi tiêu hơn nữa. Vòng lặp này sẽ giúp nền kinh tế phục hồi trở lại với tốc độ 6-7% hàng năm vào năm 2024.
Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...