Xuất khẩu nỗ lực cán đích

2022-01-04 07:43:20

Trái với những suy đoán có phần “ảm đạm” kể từ khi làn sóng dịch Covid -19 lần thứ tư bùng phát cuối tháng 4/2021, xuất khẩu những tháng cuối năm đã cho thấy sự vùng lên mạnh mẽ với kết quả “rực rỡ”. Hơn nữa, Việt Nam tiếp tục giữ vững “vị thế” xuất siêu 6 năm liên tiếp. Năm 2022, xuất khẩu được dự báo sẽ gặp những khó khăn nhất định, song đây vẫn là “niềm hy vọng” lớn của nền kinh tế...

Năm 2022, xuất nhập khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.

Năm 2022, xuất nhập khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.

Kết thúc năm 2021 đầy “sóng gió” bởi dịch bệnh, xuất khẩu đã mang về cho đất nước tới 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Kết quả này không những đã vượt xa con số kỷ lục 282,65 tỷ USD của năm 2020, mà còn đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

LỰC ĐẨY TỪ CÁC FTA

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao; tiếp tục cân bằng được cán cân thương mại, ghi nhận xuất siêu 6 năm liên tiếp.

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020 (vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao là 4-5%); nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước. Như vậy, trong năm 2021, cán cân thương mại thặng dự 4 tỷ USD.\

Năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm hơn 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lần đầu tiên xác lập mốc kim ngạch xuất nhập khẩu gần 127 tỷ USD. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực của tăng trưởng khi đạt tới 299,85 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm trước và chiếm tới hơn 89,1% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Đạt được thành tích trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ngành không ngừng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, cùng với nỗ lực “vượt bão” của từng doanh nghiệp và người dân để duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp.

Có những khu vực, ngành nghề luôn duy trì sản xuất ngay cả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp (như: công nghiệp điện tử, máy móc thiết bị, linh kiện…), hay nhiều ngành, lĩnh vực đã tăng tốc bứt phá ngoạn mục trong bối cảnh “bình thường mới”, điển hình như dệt may mang về 39 tỷ USD, nông, lâm, thủy sản cũng tạo ra kỷ lục của riêng mình với 48,6 tỷ USD, vượt 6,6 tỷ USD so với mục tiêu Chính phủ giao…

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 có phần đóng góp rất lớn từ việc tham gia ngày càng nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng GDP và hoàn thiện thể chế.

Hơn nữa, việc tham gia các FTA đã cho thấy hình ảnh một Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, mở cửa với tất cả các đối tác trên thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 FTA, trong đó có 15 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực.

Theo các chuyên gia, thành công lớn nhất của xuất khẩu trong năm 2021 chính là việc giữ được các thị trường xuất khẩu truyền thống, như Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 95,6 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản...; đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội từ các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, giúp đa dạng hóa thị trường và mở rộng xuất khẩu nhiều loại hàng hóa có lợi thế sang các thị trường có tiềm năng, cho giá trị gia tăng cao hơn.

CƠ HỘI SẼ ĐỒNG HÀNH CÙNG THÁCH THỨC

Kết quả xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 là sự nỗ lực “phi thường” của cả hệ thống chính trị, của từng doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Đây sẽ là động lực to lớn để bước vào năm 2022 với những kết quả cao hơn.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong năm 2022, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục có những thuận lợi nhất định. Đó là việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine, nới lỏng biện pháp giãn cách sẽ phục hồi nhu cầu tiêu dùng của người dân với hàng hóa nhập khẩu.

Các FTA thế hệ mới đã qua giai đoạn thực thi ban đầu, chuyển sang giai đoạn doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong nước, kết quả tích cực từ hàng loạt giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất. Cùng với đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn sẽ là động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới.

Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn, tiềm năng hơn.

“Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực lớn của nền kinh tế, Việt Nam cần tận dụng thật tốt và hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 15 FTA đã được ký kết. Trong đó, nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA vẫn là đòn bẩy, cú hích đáng kể cho thương mại hàng hóa Việt Nam với các thị trường hàng đầu thế giới”, ông Andrew Jeffries nhận định.

Tuy nhiên, cùng với thuận lợi sẽ là những khó khăn. Miễn dịch cộng đồng không thể đạt được trong ngắn hạn, xuất hiện biến chủng vi-rút mới với tốc độ lây lan nhanh tiếp tục là những rủi ro lớn đối với kinh tế và xã hội các quốc gia. Xung đột chính trị, thương mại giữa các nước tiếp tục diễn biến khó lường.

Hơn nữa, giá hàng hóa tăng mạnh sẽ làm nhập khẩu có xu hướng tăng, trong đó đặc biệt lưu ý các nhóm hàng nguyên, vật liệu có thể làm gia tăng chi phí đầu vào phục vụ sản xuất. Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng sẽ khiến giá cước vận tải tiếp tục tăng và xảy ra tình trạng thiếu hụt container vận chuyển.

Để giữ vững đà tăng cũng như thúc đẩy xuất khẩu trong năm tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cho biết sẽ tận dụng tối đa các FTA nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhận được nhiều cơ hội hơn.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, tổ chức các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên nền tảng trực tuyến và các nền tảng mới; triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… để tạo thuận lợi cho hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo Vneconomy