Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua số: (Kỳ 2) Kinh tế số xoay quanh bốn trụ cột

2021-10-26 15:16:47

Để đánh giá hiện này Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua số, Ngân hàng Thế giới đề xuất sử dụng khung đánh giá kết nối, làm chủ, đổi mới sáng tạo và bảo vệ.

Theo WB, Việt Nam đạt kết quả tốt so với các quốc gia tương đồng và thậm chí so với cả các quốc gia đi trước trong một số nội dung, nhưng thể hiện những điểm yếu quan trọng trong những nội dung khác. Việt Nam dường như đạt kết quả tốt về kết nối (Trụ cột 1), với thứ hạng cao về sử dụng điện thoại di động và có kết nối internet, mặc dù tốc độ kết nối vẫn chưa bằng các quốc gia đi trước. Việt Nam cũng đạt được tiến bộ trong việc sử dụng các công cụ số mới của doanh nghiệp và Chính phủ, mặc dù mới chủ yếu cho các chức năng cơ bản (Trụ cột 3). Kết quả của Việt Nam tương đối thấp về làm chủ công nghệ và bảo vệ người dùng, với thứ hạng không cao ở Trụ cột 2 và 4.

Trụ cột 1- Kết nối: Trên diện rộng và giá rẻ nhưng chậm và đi sau về thanh toán điện tử

Hầu hết mọi hộ gia đình ở Việt Nam, bất kể thu nhập và địa bàn, đều sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại di động, nhưng khả năng tiếp cận những công nghệ đắt tiền hơn thì chưa được công bằng như vậy. Để thành công trong kinh tế số, Việt Nam cần cải thiện chất lượng và tốc độ của hạ tầng internet. Việt Nam cũng cần thiết lập chế độ định danh số rõ ràng, hiện đại và hài hòa, là nền tảng cần thiết của hệ thống số được kết nối tốt.

Nền kinh tế số cũng đòi hỏi phải có hệ thống thanh toán điện tử bảo mật và hiệu suất cao. Hầu hết các giao dịch thanh toán ở Việt Nam hiện đang thực hiện bằng tiền mặt, và phát triển tài chính toàn diện còn chậm. Chỉ có 22% người Việt Nam thực hiện hoặc nhận thanh toán số vào năm 2017,22 và chỉ có 41% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng vào năm 2019. Khả năng tiếp cận và phát triển tài chính toàn diện đặc biệt hạn chế ở các vùng nông thôn.

Tuy nhiên, sự phổ biến của điện thoại di động và internet giá rẻ tạo cơ hội lớn cho sự phát triển của ngân hàng số nếu Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách trong phát triển tài chính toàn diện. Chương trình thí điểm tiền di động của Chính phủ, được triển khai qua Quyết định số 316 vào tháng 3/2021 sẽ hỗ trợ củng cố cho xu hướng này bằng cách nhằm đến một bộ phận lớn người dân Việt Nam chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Trụ cột 2 - Làm chủ: Kỹ năng số của lực lượng lao động ở Việt Nam còn yếu kém, năng lực quản lý nhà nước của Chính phủ tuy ở mức hợp lý, nhưng dàn trải trong một khung thể chế quá cồng kềnh.

Lực lượng lao động của Việt Nam còn thiếu những kỹ năng cần thiết để hoàn toàn làm chủ kinh tế số. So với các quốc gia so sánh, tỷ lệ nhập học giáo dục sau phổ thông và kỹ năng số của bộ phận dân số tham gia các hoạt động KTXH ở Việt Nam còn thấp Chỉ có 40% doanh nghiệp cho biết có đủ kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) để duy trì và khai thác đầy đủ các hệ thống công nghệ số của họ, và mức độ thiếu hụt kỹ năng được dự báo sẽ lên đến 1 triệu lao động ngành CNTT&TT vào năm 2023. Năng lực quản lý nhà nước của Chính phủ có lẽ được trang bị tốt hơn để làm chủ kinh tế số.

Có hai bất cập lớn về chính sách và triển khai chính sách gây hạn chế hiệu quả quản lý nhà nước ở Việt Nam. Thứ nhất, việc thiếu một khung pháp lý hợp nhất về công nghệ số dẫn đến ban hành quy định manh mún, trong đó có khoảng một tá Thông tư được Bộ Tài chính ban hành để quy định về mức phí tiếp cận các bộ dữ liệu khác nhau, như dữ liệu đất đai, môi trường, dữ liệu cảm biến từ xa, hoặc dữ liệu bản đồ. Trong thời đại số, thời đại mà những dữ liệu như bản đồ số và hình ảnh vệ tinh được coi như yếu tố sản xuất mới, việc đưa yếu tố sản xuất mới này vào diện bí mật là biện pháp hạn chế không cần thiết và sẽ cản trở dòng lưu chuyển dữ liệu số thông suốt giữa các cơ quan nhà nước. Điều này ảnh hưởng đến khả năng ban hành các quyết định kịp thời và có căn cứ của chính quyền các cấp, nhất là trong các lĩnh vực như đô thị hóa và ô nhiễm môi trường.

Thứ hai, cần phải triển khai thực hiện chính sách quyết liệt hơn. Chẳng hạn, Quyết định số 1660/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 10/2020 về danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được thực hiện với tiến độ hạn chế trên thực tế. Hơn nữa, khung thể chế phục vụ chuyển đổi số ở Việt Nam còn quá cồng kềnh.

Trụ cột 3- Đổi mới sáng tạo: Đang trỗi dậy nhưng chưa tinh sâu

Trước khủng hoảng COVID-19, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam chỉ quanh mức trung bình, đi sau nhiều quốc gia so sánh về sử dụng công nghệ số. Đại dịch COVID-19 năm 2020 và tác động kéo dài đến năm 2021 đã làm thay đổi cuộc chơi đối với khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt CNTT&TT để tạo điều kiện thuận lợi cho làm việc từ xa và tiếp cận khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. Chính phủ cũng đẩy mạnh nỗ lực tinh giản các thủ tục và cung cấp dịch vụ công cho người dân thông qua các phương tiện số.

Mặc dù xu hướng mới về ứng dụng công nghệ số trong ứng phó COVID-19 cần được khuyến khích, nhưng mức độ tinh thông của người dùng còn tương đối hạn chế. Các nền tảng số chủ yếu được sử dụng để tinh gọn những chức năng nghiệp vụ đơn giản như quản trị kinh doanh, bán hàng và phương thức thanh toán. Chỉ những doanh nghiệp lớn với đủ nguồn lực tài chính và con người để thể hiện khả năng sử dụng các công cụ số trong lập kế hoạch sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng và hoạt động chế tạo.

Mức độ đổi mới sáng tạo công nghệ số còn thấp trong khu vực tư nhân được lý giải bởi nhu cầu hạn chế của doanh nghiệp, hỗ trợ chưa đầy đủ của Chính phủ và, các doanh nghiệp "số" còn chưa phát triển.

Trụ cột 4 - Bảo vệ: Tương đối an toàn, nhưng ít quyền riêng tư và bảo vệ khỏi tập trung thị trường và kiểm duyệt

Việt Nam vẫn đi sau về bảo vệ quyền riêng tư; xếp cuối cùng trong số các quốc gia so sánh tương đồng hoặc đi trước về mức độ can thiệp của Chính phủ trên internet và mạng xã hội. Việt Nam vẫn chưa có văn bản pháp luật hợp nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân, mặc dù Bộ Công an gần đây có chia sẻ dự thảo Nghị định được mong chờ từ lâu về bảo vệ dữ liệu cá nhân để lấy ý kiến công khai. Trong khi dự thảo nghị định lần đầu tiên đề xuất các quy định về chủ thể dữ liệu, chuyển dữ liệu qua biên giới, xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm, và các chủ đề liên quan khác trong môi trường số, nhưng hiện chưa rõ các quy định này có phù hợp với các thông lệ quốc tế hay không (tham khảo chi tiết trong phần sau). Một thách thức liên quan khác nằm ở khả năng công chúng được tiếp cận dữ liệu công khai (có chất lượng) của Chính phủ còn hạn chế.

Kỳ 3: Phải làm gì để đạt được tham vọng chuyển đổi số?