Nguồn: Tính toán của cán bộ Ngân hàng Thế giới, sử dụng dữ liệu của WB và Statista 2021.

Đó là nhận định được nhóm phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo mới cập nhật. Theo WB, trước khi tìm hiểu Việt Nam cần gì để thành công với tham vọng chuyển đổi số, cần hiểu rõ tại sao Việt Nam nên tham vọng ứng dụng công nghệ số. Các nghiên cứu kinh tế học và bằng chứng thực nghiệm nhìn chung chỉ ra bốn lợi thế chính của kinh tế số.

Thứ nhất, nhiều thông tin hơn, nhiều lựa chọn hơn, doanh số cao hơn, và khách hàng hài lòng hơn. Mức độ sẵn có của dữ liệu tăng lên có thể giúp cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp về những gì đang diễn ra trong nền kinh tế và những xu hướng mới nào về tiêu dùng đang nổi lên, cũng như giúp họ tiếp cận khách hàng mới. Đồng thời, internet tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thêm thông tin và lựa chọn. Thông tin lưu chuyển nhiều hơn giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với những thay đổi về thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài ra, nó còn cho phép doanh nghiệp tùy chỉnh sản phẩm cho phù hợp với từng khách hàng, chẳng hạn thông qua công nghệ in ba chiều (3D) và các công nghệ khác.

Thứ hai, tiết kiệm thời gian. Ở nhiều quốc gia, hàng triệu sản phẩm có thể được đặt hàng qua internet và giao trong cùng ngày, cho phép khách hàng không phải đến cửa hàng. Điều này giúp doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ nhanh chóng hơn, và tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng để họ theo đuổi những thứ khác.

Thứ ba, giảm chi phí, tăng cạnh tranh, sản phẩm và dịch vụ mới. Nền kinh tế số tạo điều kiện cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí thuê, vận hành và bảo dưỡng các chuỗi cửa hàng bán lẻ “brick and mortar” vì hàng hóa được giao thẳng từ nhà máy hoặc nhà kho đến tay khách hàng. Mô hình này tiết kiệm chi phí hoạt động cố định và chi phí lao động, nhờ vây, hạ giá thành sản phẩm.

Nền kinh tế số cũng tạo điều kiện cho mọi người làm việc tại nhà và được linh hoạt về thời gian làm việc, hai yếu tố có thể có lợi người lao động đang phải chăm sóc con cái và gánh vác những trách nhiệm khác. Trên một số thị trường, các đặc điểm của kinh tế số còn cho phép doanh nghiệp mới gia nhập dễ dàng hơn. Nếu một doanh nhân có ý tưởng hoặc sản phẩm đổi mới sáng tạo, người đó có thể tìm cách gọi vốn cộng đồng (crowd funding) hoặc tiếp thị trực tiếp đến khách hàng, và vì vậy có thể vượt qua nhiều rào cản gia nhập truyền thống.

Thứ tư, nhiều dữ liệu hơn cũng giúp Chính phủ hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra trong nền kinh tế, và những dịch vụ nào Chính phủ có thể hoặc cần cung cấp cho các nhóm đối tượng khác nhau. Sự bùng nổ của chính phủ điện tử giúp chấn chỉnh tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ cho khách hàng (cả doanh nghiệp và người dân), và giảm tham nhũng.

Theo nhóm phân tích của WB, sự kết hợp của những lợi thế trên đã đem lại tác động to lớn tại Việt Nam. Ứng dụng công nghệ số đã thay đổi cách thức mọi người làm việc, giao tiếp, buôn bán, di chuyển và giải trí. Ngày nay, dịch vụ được cung cấp ngay trên máy tính hoặc điện thoại thông minh thông qua các nền tảng kinh doanh. Người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long có thể sử dụng điện thoại thông minh để cập nhật thông tin giá lúa từ các sàn giao dịch hàng hóa, trong khi các nhà sản xuất xe hơi nước ngoài có thể kiểm soát chất lượng sản xuất từ trụ sở ở nước nhà. Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này. Trẻ em tương tác với giáo viên qua màn hình, và bệnh nhân nhận đơn thuốc từ bác sỹ qua tin nhắn ngày càng nhiều hơn.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế internet tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, mặc dù xuất phát điểm còn thấp. Doanh số thương mại điện tử đã và đang tăng trưởng với tốc độ tương đương tốc độ tăng trưởng doanh số thương mại điện tử thế giới và cao hơn so với tăng trưởng GDP.

Năm 2020, giá trị thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đạt gần 12 tỷ USD — 2,5% GDP. Uớc tính khoảng 53% dân số đã mua hàng trực tuyến qua các nền tảng mạng xã hội, như Facebook và Zalo, hoặc các nền tảng thương mại điện tử, như Lazada, Shopee, và Tiki. Việc sử dụng các nền tảng số dẫn đến doanh số tăng trung bình 4,3%, sau khi đã tính đến các yếu tố như quy mô doanh nghiệp, địa bàn và lĩnh vực.

Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử do Chính phủ Việt Nam phê duyệt năm ngoái, mục tiêu doanh số của ngành này ở Việt Nam là 35 tỷ USD vào năm 2025.20 Để đạt được mục tiêu này, doanh số thương mại điện tử sẽ phải tăng trưởng khoảng 16,2% mỗi năm, thấp hơn so với mức bình quân trước đó.

Sử dụng Khung đánh giá Kết nối, Làm chủ, Đổi mới sáng tạo và Bảo vệ (CHIP) do Ngân hàng Thế giới đề xuất, có thể so sánh kết quả đạt được của Việt Nam với hai nhóm quốc gia. Nhóm thứ nhất bao gồm tám quốc gia tương đồng. Giống như Việt Nam, đây cũng là những quốc gia thu nhập trung bình và coi chuyển đổi số là trung tâm trong chiến lược phát triển: Cô-lôm-bia, Bờ Biển Ngà, In-đô-nêxia, Mê-hi-cô, Ma-rốc, Nam Phi, Thái Lan và Tuy-ni-zia. Nhóm thứ hai là bốn quốc gia đi trước, tiến bộ hơn về kinh tế và chuyển đổi số: Hàn Quốc, Ma-lay-xia, Phi-líp-pin và Sing-ga-po.

Kỳ 2: Kinh tế số xoay quanh bốn trụ cột