Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM cho biết, theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế từ năm 2021 trở đi sẽ tăng trưởng ở mức cao từ 8-10%/năm. Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu như than và khí.
Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thủy điện thiếu nước để chạy các nhà máy thủy điện. Vì vậy, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) và tiết kiệm để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, mục tiêu phát triển NLTT trong Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam giai đoạn đến 2030 có xét đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐTTg ngày 25/11/2015, tỷ lệ điện sản xuất từ NLTT (bao gồm cả thủy điện lớn và nhỏ) trong tổng điện năng sản xuất của quốc gia phải đạt 32% vào năm 2030 và 43% vào năm 2050.
Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh , dự kiến các nguồn điện NLTT (bao gồm thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, và điện sinh khối) sẽ chiếm 21% tổng công suất nguồn điện của quốc gia vào năm 2030. Và trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có quy định tỷ lệ nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% năm 2030 và 25-30% năm 2045, tương ứng tỷ lệ điện năng của NLTT trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc là khoảng 30% năm 2030 và 40% năm 2045.
“Nghị quyết này đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng . Với vai trò quản lý ngành, Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp phát triển NLTT, nhất là điện mặt trời và điện gió nhằm khai thác nguồn năng lượng “sạch và xanh” gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” , ông Thành cho biết
Ông Thành đánh giá, ngành năng lượng đang đi đúng hướng trong việc phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo . Do đó, nhiều cơ chế, chính sách phát triển NLTT đã được ban hành, trong đó tập trung vào khuyến khích phát triển nguồn điện sử dụng NLTT, nhất là nguồn điện gió, điện mặt trời, sinh khối… Nhờ đó, các nguồn điện sử dụng NLTT đã có bước phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây.
Dẫn kết quả nghiên cứu của trường Đại học Quốc gia Australia, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho rằng, Việt Nam đang đi đầu trong ASEAN về phát triển điện mặt trời và điện gió. Theo đó, từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia đi đầu ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió. Dựa trên số liệu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất quang điện mặt trời của Việt Nam đạt khoảng 16.500 MW, vượt xa mục tiêu 850 MW được đặt ra cho năm 2020 và thậm chí là đang tiến gần đến mục tiêu được đặt ra cho năm 2030 là 18.600 MW.
Nếu chỉ tính riêng trong năm 2019, Việt Nam đã lắp đặt hơn 100.000 hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà. Số liệu thống kê cũng cho thấy, sản lượng điện mặt trời và điện gió của Việt Nam đã tăng từ 4,7 TWh năm 2019 lên 9,5 TWh năm 2020, tức là tăng gần 200%. Với mức tăng này của Việt Nam được đánh giá cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.
“Mặc dù NLTT mang lại nhiều lợi ích, góp phần tích cực giảm thiểu tác động đến môi trường, biến đổi khí hậu; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển kinh tế - xã hội đất nước; giải quyết việc làm; nâng cao trình độ cho người lao động trong nước. Tuy nhiên, phát triển NLTT hiện nay còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, tài chính và kỹ thuật. Để tháo gỡ các vấn đề này cần thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.