VCCI vì sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp

2023-10-13 16:31:45

Cách đây 78 năm, khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam vào ngày 13/10/1945.

Với sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước dành cho giới doanh nhân, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, từ năm 2004 ngày 13/10 hàng năm đã được chọn là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cùng Top 10 doanh nhân tiêu biểu 2022.

Đầu những năm 1990, sau khi Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân được ban hành, bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước, trong toàn quốc chúng ta chỉ có khoảng 5000 doanh nghiệp tư nhân. Ngày hôm nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có tới gần 900 nghìn doanh nghiệp, cùng với các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp FDI, các hợp tác xã tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đưa quy mô GDP Việt Nam nằm trong TOP40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP20 của thế giới, sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước. Đời sống nhân dân được cải thiện vượt bậc, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, tăng 48 lần so với năm 1986.

“Quà Tết” đặc biệt!

Với nhìn nhận doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước. Với số lượng doanh nghiệp hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số 2 tới 3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người.

Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới.

Từ năm 2004, ngày 13/10 cũng được coi là “ngày Tết” của giới doanh nhân Việt Nam và trong dịp “Tết Doanh nhân” năm nay cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân dự kiến sẽ đón nhận một món quà hết sức đặc biệt từ Đảng, Nhà nước – đó là một nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới thay cho Nghị quyết 09 được ban hành cách đây 12 năm.

Nghị quyết mới của Bộ Chính trị có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Đây không chỉ là những nội dung mới mà còn rất quyết liệt, rất trúng mong đợi của giới doanh nhân và xã hội.

Một nét đặc biệt nữa của Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay là lần đầu tiên VCCI công bố ca khúc truyền thống của giới doanh nhân Việt Nam. Đây là kết quả của cuộc thi sáng tác ca khúc “Hào khí doanh nhân Việt Nam” do VCCI phối hợp với Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức và đã nhận được tới 347 tác phẩm dự thi, sau nhiều vòng đánh giá thẩm định, lựa chọn, Ban chấp hành VCCI sau khi lấy ý kiến các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đã bỏ phiếu chọn ra ca khúc truyền thống của giới doanh nhân, đó chính là ca khúc “Tự hào Doanh nhân Việt Nam” của nhạc sỹ Phạm Tiến Dũng.

Cùng với việc năm 2022 VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, đây cũng là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động do VCCI tổ chức nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đặc biệt, tại Lễ kỷ niệm năm nay, lần đầu tiên VCCI tổ chức một hội nghị gặp gỡ toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam – đây có thể coi là cuộc hội ngộ các lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước để cùng nhau bàn về công tác phát triển hiệp hội, các doanh nhân Việt Nam cùng nhau bàn thảo về hợp tác thực hiện mục tiêu chung: phát triển doanh nghiệp, phát triển ngành, xây dựng văn hóa kinh doanh…

Việc VCCI là đơn vị chủ trì và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là đơn vị phối hợp tổ chức Hội nghị này cũng là thông điệp hiệu triệu các hiệp hội doanh nghiệp hãy tăng cường liên kết, hợp tác trong hoạt động vì sự phát triển chung của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Liên kết, hợp tác phát triển

VCCI đưa ra một số gợi ý để lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nhân cùng nhau trao đổi, thảo luận:

Thứ nhất , đối với công tác xây dựng các hiệp hội doanh nghiệp vững mạnh. Theo một khảo sát gần đây do Viện Phát triển Doanh nghiệp của VCCI thực hiện, năng lực tham gia ý kiến và đề xuất xây dựng chính sách pháp luật được các doanh nghiệp đánh giá yếu nhất trong các năng lực của phần lớn hiệp hội doanh nghiệp.

Vậy làm thế nào để chúng ta cải thiện tình hình này? VCCI với bộ máy cán bộ, chuyên gia đông nhất, với năng lực nghiên cứu chính sách mạnh nhất, có thể cùng phối hợp, hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp trong nghiên cứu và đề xuất, phản biện và tham mưu chính sách cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong từng lĩnh vực chuyên ngành hoặc địa phương của hiệp hội doanh nghiệp. VCCI cũng dự kiến sẽ tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho các hiệp hội trong lĩnh vực này.

Thứ hai , về liên kết, hợp tác giữa các hiệp hội và giữa các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một nội dung mà được phần lớn các doanh nghiệp đánh giá là còn yếu so với các nước khác. Với vai trò, trách nhiệm được giao là tổ chức quốc gia đại diện cho công đồng doanh nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và giới sử dụng lao động tại Việt Nam, VCCI dự kiến bắt đầu từ hội nghị này, định kỳ hàng năm sẽ tổ chức gặp gỡ lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp trong toàn quốc để chúng ta cùng trao đổi, thảo luận về thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các hiệp hội và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hỗ trợ hội viên và thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của hội nhập và phát triển đất nước.

Thứ ba , về phát triển doanh nhân, doanh nghiệp và kinh tế đất nước. Hiện nay kinh tế nước ta và thế giới đều đang gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp lại càng khó khăn. Nhưng bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn cũng đang tạo ra cơ hội lịch sử cho Việt Nam tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế.

Vậy Việt Nam nên làm gì, các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời nắm bắt cơ hội phát triển từ trật tự kinh tế mới, từ các xu thế phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn?

Thứ tư , về xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh Việt Nam, phát triển doanh nghiệp bền vững. Càng ngày chúng ta càng nhận thức vai trò và giá trị của văn hoá kinh doanh. Để hội nhập quốc tế thành công và phát triển bền vững, doanh nhân, doanh nghiệp phải trang bị cho mình bản sắc văn hoá kinh doanh. Đạo đức doanh nhân là yếu tố cốt lõi để xây dựng văn hoá kinh doanh, văn hoá kinh doanh lại là yếu tố nền tảng để phát triển doanh nghiệp bền vững. Các doanh nhân, các hiệp sẽ cùng thảo luận về tầm quan trọng và cách thức để cùng nhau xây dựng triết lý và văn hoá kinh doanh riêng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, tạo thêm sức mạnh mềm cho doanh nghiệp trong hội nhập và phát triển, đồng thời đưa văn hoá kinh doanh của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam xứng tầm với tương lai nước ta sẽ trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Thứ năm, là các đề xuất và kiến nghị. Trong mỗi nội dung kiến nghị đề nghị nêu vấn đề, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, đồng thời cũng đưa ra các đề xuất, các giải pháp. Thời gian vừa qua, VCCI đã nhận được rất nhiều báo cáo, kiến nghị của các doanh nhân, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp. VCCI đã tổng hợp lại, kết hợp cùng các kiến nghị tại Hội nghị gặp gỡ toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam để báo cáo với Chính phủ, Ban Bí thư và các cơ quan liên quan. Những kiến nghị liên quan đến VCCI sẽ được xem xét giải quyết ngay.

Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp