VCCI nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp liêm chính

2022-04-07 15:16:00

VCCI cam kết tiếp tục đồng hành cùng UNDP, Đại sứ quán Anh Quốc và các đối tác nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh liêm chính, minh bạch tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh phát biểu tại Diễn đàn

Nằm trong khuôn khổ Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia năm 2022 và dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng cho Doanh nghiệp mới tại Việt Nam” của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam, với sự tài trợ của Vương quốc Anh trong phạm vi Chương trình cải cách kinh tế ASEAN, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - VCCI phối hợp Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tổ chức Diễn đàn “Tuân thủ và Liêm chính – Nền tảng cho khởi nghiệp thành công”

Đánh giá về sự hợp tác giữa VCCI và UNDP về triển khai các hoạt động liên quan đến kinh doanh liêm chính, tạo sự bền vững cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nhận định, cách đây hơn 7 năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 9966/VPCP – V.I ngày 12/12/2014 về thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã triển khai Chương trình hành động thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh.

Đây là bước đi mạnh mẽ để khuyến khích mạnh mẽ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng hợp tác thực hiện liêm chính trong kinh doanh, vượt qua các rào cản, rủi ro từ tham nhũng, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, VCCI đã khởi xướng một số sáng kiến, chương trình và giao cho Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững – đơn vị tiên phong về thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam trong nhiều năm qua, trong đó liêm chính doanh nghiệp là một trong các nội hàm chính của phát triển bền vững.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Chính phủ Anh, Chương trình cải cách thương mại Đông Nam Á, VCCI đã phối hợp với IBLF Global triển khai thành công Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng, ngừa tham nhũng”, nội địa hóa Bộ công cụ “Hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng” do nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (B20) thuộc nhóm các nền kinh tế lớn (G20) biên soạn dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và ra mắt năm 2016 để đào tạo cho 1.100 doanh nghiệp tại 7 tỉnh/thành phố.

Theo Phó Chủ tịch VCCI, trong giai đoạn 2018 tới nay, VCCI hợp tác chặt chẽ với UNDP triển khai “Sáng kiến Liêm chính giữa doanh nghiệp và Chính phủ” nhằm tăng cường quản trị doanh nghiệp tốt, giảm thiểu gian lận trong giao dịch kinh doanh.

Trong quá trình sửa đổi Luật Phòng chống Tham nhũng (2018), VCCI đã đóng góp nhiều nội dung quan trọng. Lần đầu tiên, Luật Phòng chống tham nhũng đã mở rộng đối tượng phạm vi điểu chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp được khuyến nghị áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử.

"Để đưa các quy định pháp luật vào cuộc sống, VCCI làm việc chặt chẽ với UNDP trong việc thiết kế, xây dựng chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua đào tạo, nâng cao nhận thức, xây dựng các công cụ trực tuyến và cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và Bộ quy tắc ứng xử; hỗ trợ kỹ thuật cho một số doanh nghiệp lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm cơ chế kiểm soát nội bộ", Phó Chủ tịch VCCI cho biết.

Diễn đàn quốc tế mang chủ đề “Tuân thủ và Liêm chính: Nền tảng cho khởi nghiệp thành công”

Mới đây nhất, VCCI đã khởi xướng Mạng lưới Doanh nghiệp Kinh doanh Liêm chính tại Việt Nam – VBIN, hiện tại đã thành lập, ra mắt Tổ Cố vấn chuyên môn VBIN với hơn 20 cơ quan, tổ chức và các chuyên gia cam kết tham gia; một trong các sản phẩm chính là xây dựng Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam – VBII để làm công cụ hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá tình hình tổng thể về tính liêm chính của doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp để cải thiện theo hướng phát triển bền vững.

Nằm trong dự án Thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch tại các nước ASEAN, giai đoạn 2018 - 2021, năm 2020, UNDP cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - VCCI triển khai hợp phần mới “Thúc đẩy kinh doanh minh bạch cho các doanh nghiệp mới” … Kết thúc năm đầu tiên triển khai, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – Ban tổ chức Chương trình khởi nghiệp Quốc gia đã nhận được kết quả phản hồi tích cực trong cộng đồng khởi nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch VCCI, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đặt lên hàng đầu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và họ thường phải đối mặt với các rủi ro như gian lận, hối lộ trong các giao dịch kinh doanh. Đồng thời, đại dịch COVID-19 có xu hướng gây rủi ro đáng kể cho các hành vi vi phạm đạo đức, gây tác động tiêu cực, tạo rào cản đối với doanh nghiệp để theo đuổi kinh doanh liêm chính và duy trì sự thành công. Tham nhũng cũng tạo ra những rủi ro lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

"Tôi hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc – UNDP Việt Nam đã lựa chọn VCCI và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp để tạo sự lan tỏa về kinh doanh liêm chính trong cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là những đối tượng rất mới mà VCCI và UNDP thấy cần thiết phải hướng tới", Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Vinh cũng khẳng định và cam kết VCCI sẽ tiếp tục đồng hành cùng UNDP, Đại sứ quán Anh Quốc và các đối tác nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh liêm chính, minh bạch tại Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.