Đề án cần bổ sung các giải pháp về quản lý nhằm thúc đẩy khả năng tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là đối với hàng xuất khẩu, như: tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong cấp C/O, mở rộng thí điểm tự chứng nhận xuất xứ…
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có ý kiến trả lời Bộ Công Thương về nội dung xuất nhập khẩu được nêu ra tại dự thảo Báo cáo xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030.
NGUY CƠ CỦA CÁC BIỆN PHÁP BẢO HỘ
Trong dự thảo đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030, ngành công thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân từ 5-8%...
Để đạt mục tiêu này, VCCI cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm một khía cạnh quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm sắp tới.
Đó là xu hướng bảo hộ toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục phức tạp, có thể cộng hưởng với các nhân tố khác như cạnh tranh chiến lược nước lớn, khó khăn do dịch Covid-19… gây ra những tác động khó lường tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, xu hướng này không chỉ thể hiện ở các hàng rào phi thuế quan (các biện pháp kỹ thuật, an toàn thực phẩm, thủ tục xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại…) mà có thể được thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau, như các điều tra theo Điều 301 của Hoa Kỳ, các cáo buộc liên quan tới môi trường, lao động hay các yếu tố ngoài thương mại khác ở nhiều thị trường….
Việc lạm dụng các biện pháp có tính bảo hộ không chỉ giới hạn ở các đối tác đã có FTA với nhau (mặc dù về lý thuyết giữa các nước đã có FTA, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan có thể làm gia tăng nguy cơ về các hàng rào phi thuế) mà có thể là ở nhiều đối tác khác nhau, kể cả các đối tác lớn và nhỏ.
Hơn nữa, nguy cơ ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam của một số biện pháp bảo hộ của các nước có thể không chỉ dừng lại ở một ngành mà có thể ở rất nhiều ngành, không dừng lại ở các sản phẩm mục tiêu điều tra mà mở rộng ra nhiều sản phẩm khác.
Mặt khác, Dự thảo đã đề cập tới một yếu tố quan trọng về bối cảnh trong nước, đó là “quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, quản trị nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh.
Tuy nhiên, theo VCCI mục tiêu của các hoạt động này trong thời gian tới sẽ không còn là “để đáp ứng các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký”. Bởi vì, hầu như tất cả các cam kết FTA cao hơn pháp luật Việt Nam đều đã được nội luật hóa (tính tới cuối 2021).
Do vậy, VCCI góp ý, cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh mục tiêu của các cải cách thể chế sắp tới là để “tạo môi trường pháp lý và kinh doanh thuận lợi và hợp lý cho việc tận dụng các cam kết FTA hiệu quả nhất có thể, qua đó hiệu thực hóa các lợi ích dự kiến từ các hiệp định này”.
Về mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, tỷ lệ nội địa hóa của hàng hóa xuất khẩu, tỷ trọng hàng hóa dán nhãn Made in Vietnam…, theo VCCI, cơ quan soạn thảo cân nhắc làm rõ một số khái niệm trước khi đưa ra chỉ tiêu. Ví dụ cách tính “tỷ lệ nội địa hóa trong hàng xuất khẩu”, cách hiểu về “hàng hóa dán nhãn Made in Vietnam”.
Bởi là hiện mỗi FTA có quy định xuất xứ riêng, hàng hóa không hưởng ưu đãi FTA có quy định xuất xứ riêng. Nhiều hàng hóa không dán nhãn Made in Vietnam do không hưởng ưu đãi thuế quan, cũng không được khách hàng nước ngoài yêu cầu…
BỔ SUNG GIẢI PHÁP VỀ CHÍNH SÁCH XUẤT NHẬP KHẨU
Về các giải pháp quản lý nhập khẩu, VCCI cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung các giải pháp quản lý nhập khẩu để đối phó với các cú sốc từ bên ngoài. Ví dụ các tình huống nhập khẩu tăng đột biến, nhập khẩu sản phẩm công nghệ thấp… là hệ quả của các biến động thị trường thế giới hoặc chính sách của các nước đối tác lớn.
Đối với các giải pháp về “ban hành chính sách, công cụ quản lý có hiệu quả hoạt động nhập khẩu, nhất là đối với các nhóm mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được”, theo VCCI cần thận trọng hơn với nội dung này.
Bởi Việt Nam đã cam kết mở cửa đối với các sản phẩm này. Sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu có thể giúp cạnh tranh trong nước tốt hơn, mang lại lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp hạ nguồn.
Hơn nữa, khái niệm “mặt hàng trong nước đã sản xuất được” là khái niệm để xác định các trường hợp có cho hưởng ưu đãi khi nhập khẩu các sản phẩm này hay không, chứ không phải là để xác định việc có hạn chế hay không hạn chế nhập khẩu các sản phẩm đó.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các giải pháp về quản lý nhằm thúc đẩy khả năng tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan theo FTA, đặc biệt là đối với hàng xuất khẩu”, VCCI góp ý.
Như tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong cấp C/O; giải thích quy tắc xuất xứ FTA theo hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp miễn là không vi phạm cam kết; đẩy nhanh và mở rộng thí điểm tự chứng nhận xuất xứ, tiến tới áp dụng cơ chế này trên diện rộng, ít nhất với các FTA đã có cam kết về tự chứng nhận xuất xứ…).
Logistics là ngành tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nhiều ngành lĩnh vực. Theo phản ánh của doanh nghiệp, chi phí logistics ở nước ta khá cao so với các nước trong khu vực.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Thời gian qua, các doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh vì chi phí logistic tăng cao, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí mất các thị trường nhập khẩu lớn.
Chi phí logistics bao gồm: phí vận tải, bến bãi, xếp dỡ, thủ tục hành chính tại các cảng, … liên quan đến nhiều ngành. Nhà nước đã có nhiều chính sách để tháo gỡ cho ngành logistics tuy nhiên chi phí cho hoạt động này vẫn còn khá cao.
Vì vậy, trong thời gian tới, Nhà nước cần có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo Vneconomy
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...