VCCI đa dạng hóa hình thức, phương thức tuyên truyền phổ biến pháp luật

2022-11-01 07:38:00

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), mặc dù còn một số tồn tại, tuy nhiên, công tác PBGDPL của VCCI luôn được đa dạng hóa cả về hình thức và phương thức…

>> Tinh thần thượng tôn pháp luật phải đặt lên hàng đầu

Theo đó, trả lời Công văn số 4093/BTP-PBGDPL ngày 20/10/2022 của Bộ Tư pháp về việc báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) cho biết, VCCI luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác giáo dục tư tưởng, là nhiệm vụ thường xuyên.

VCCI đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật thời gian qua - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Để triển khai có hiệu quả việc thực hiện Luật PBGDDL, thời gian qua, VCCI đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các chi nhánh, văn phòng đại diện của VCCI tại địa phương quán triệt, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành đầy đủ, kịp thời, tăng cường triển khai và thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật với nhiều hình thức sát thực, chuyển tải kịp thời các thông tin về pháp luật tới doanh nghiệp, theo đó:

Về nội dung, VCCI đã chủ động xây dựng đa dạng các nội dung tuyên truyền không chỉ các chính sách pháp luật trong nước mà còn các quy định pháp luật quốc tế tương ứng với từng ngành, lĩnh vực, loại hình doanh nghiệp… đảm bảo các doanh nghiệp nắm bắt và cập nhật được các chính sách pháp luật kịp thời để thực thi tại doanh nghiệp.

Đồng thời, trong quá trình triển khai các chương trình tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, VCCI đã nắm bắt được các kiến nghị của doanh nghiệp và phản ánh kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền về việc giải quyết khóa khăn vướng mắc, kiến nghị thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Về hình thức, trong quá trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, VCCI luôn triển khai đa dạng các phương thức khác nhau, nỗ lực tối đa để đảm bảo thông tin được cập nhật thường xuyên và kịp thời tới các doanh nghiệp.

Theo đó, VCCI đã chủ động tổ chức các khoá học, diễn đàn, hội thảo, đối thoại nhằm trao đổi, phổ biến, giải thích, hướng dẫn các quy định pháp luật tới doanh nghiệp, đồng thời giải đáp những vấn đề thực tế doanh nghiệp đang khó khăn, vướng mắc, tăng cường sự lồng ghép các chương trình PBGDPL trên các phương tiện thông tin khác như báo, tạp chí của cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật quy định pháp luật mới trên các trang thông tin điện tử của VCCI, tổ chức các khoá đào tạo trực tuyến, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các thông tin về pháp luật, giúp cho doanh nghiệp nhận thức sâu sắc và có nghĩa vụ chấp hành theo quy định của pháp luật.

Về phạm vi, VCCI đã có sự chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng về các địa phương, các cơ sở, tập trung tuyền truyền những quy định mới, sát thực, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ở các địa phương rất nhiệt tình và tham gia các khóa tập huấn đầy đủ, tích cực chia sẻ và trao đổi ý kiến với các chuyên gia, báo cáo viên và các doanh nghiệp khác tham gia khóa học nhằm học hỏi kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng để thực thi các quy định pháp luật ngày càng tốt hơn.

>> Đưa “cuộc sống” vào pháp luật

VCCI đã đa dạng hóa hình thức, phương thức tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua các hội thảo, tọa đàm - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Về công tác phối hợp, VCCI có sự phối hợp nhiệt tình và có trách nhiệm từ các cơ quan bộ, ngành ở trung ương và địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, một số đối tác nước ngoài.

Về sự đổi mới, để khắc phục sự hạn chế về nguồn lực, về địa lý, về khó khăn do giãn cách vì COVID-19, VCCI đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới hoạt động để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Về nguồn lực, VCCI cố gắng thúc đẩy xã hội hoá, huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài để phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh những nội dung đã nêu, VCCI cũng tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo những vấn đề mới, nóng, dư luận xã hội quan tâm; hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác thi đua, khen thưởng; việc thực hiện trách nhiệm của sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức và địa phương theo quy định của Luật GDPBPL. Thông qua hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát theo dõi thi hành pháp luật, các doanh nghiệp tham gia ý kiến góp ý dự thảo, đề nghị xây dựng VBQPPL sẽ có hiểu biết và đồng thuận hơn khi thực thi đối với những chính sách, quy định của Nhà nước. Hoạt động này cũng được thực hiện dưới rất nhiều hình thức đa dạng.

Tuyên truyền về chính sách, quy định pháp luật dự kiến ban hành thông qua góp ý đề nghị xây dựng VBQPPL, hoàn thiện dự thảo VBQPPL. VCCI tổ chức lấy ý kiến, huy động các doanh nghiệp tham gia với nhiều hình thức khác nhau (tổ chức hội thảo, diễn đàn đối thoại, khảo sát ý kiến, lấy ý kiến qua công văn/email/website.

Số lượng văn bản pháp luật đã được VCCI tham gia ý kiến cụ thể: Năm 2012 - 72 văn bản; năm 2013 - 113 văn bản; năm 2014 - 96 văn bản; năm 2015 - 104 văn bản; 2016 - 99 văn bản; năm 2017 - 130 văn bản; năm 2018 - 125 văn bản; năm 2019 - 115 văn bản; 2020 - 160 văn bản; năm 2021 - 140 văn bản; 9 tháng đầu năm 2022 - 82 văn bản.

Ngoài ra, VCCI cũng tổ chức các hội thảo, toạ đàm lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý các đề nghị xây dựng VBQPPL, dự thảo VBQPPL, những đề án, chương trình liên quan đến doanh nghiệp, qua đó cũng nhằm truyền tải thông tin thông tin về chính sách dự kiến, những thay đổi, những chính sách mới như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi),…

Các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật, dự thảo Quyết định của Thủ tướng, các Thông tư của Bộ trưởng, đặc biệt, tham gia ý kiến với các vấn đề thời sự như thuế đối với xăng dầu, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19. Do tác động của dịch bệnh và cắt giảm chi phí do tiết kiệm, các hoạt động hội thảo bị thu hẹp, tuy nhiên, đã có sự phối hợp rất tích cực và đa dạng với các cơ quan soạn thảo, hiệp hội doanh nghiệp và các đơn vị trong VCCI.

Bên cạnh những nội dung về việc xây dựng VBQPPL, VCCI cũng tổ chức các hoạt động liên quan đến việc rà soát, tổng hợp kiến nghị hoàn thiện pháp luật và có những đóng góp tích cực, trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo rà soát các chồng chéo lớn trong Luật, văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực có tác động rất lớn tới doanh nghiệp và môi trường kinh doanh…

VCCI đã chủ động xây dựng đa dạng các nội dung tuyên truyền không chỉ các chính sách pháp luật trong nước mà còn các quy định pháp luật quốc tế tương ứng với từng ngành, lĩnh vực, loại hình doanh nghiệp - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Cũng tại văn bản Báo cáo, VCCI cũng cho hay, với sự phát triển mạnh mẽ của internet và công nghệ thông tin, việc truyền tải thông tin thông qua website, phương tiện điện tử sẽ có sức lan tỏa và hướng đến được nhiều đối tượng hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí. VCCI xây dựng và vận hành rất nhiều trang/cổng thông tin khác nhau để chuyển tải thông tin pháp luật tới doanh nghiệp.

Trong đó có thể kể đến các website của VCCI như: Website chính thức của VCCI www.vcci.com.vn có ba chuyên mục: Pháp luật; Văn bản pháp luật và Hỏi đáp chính sách thường xuyên đăng tải các thông tin về chính sách, pháp luật và hỏi đáp trong nhiều lĩnh vực, ở các tình huống cụ thể;

Website của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (cơ quan trực thuộc VCCI) www.diendandoanhnghiep.vn có chuyên mục Pháp luật: đăng tải các thông tin về kinh doanh và pháp luật, hồ sơ vụ việc, tư vấn cho doanh nghiệp và đơn thư bạn đọc (các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp). Ngoài cách làm truyền thống (ảnh và chữ) như trước đây, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp đã tăng cường tích hợp truyền thông đa phương tiện trong bài viết (video, clips), tạp chí điện tử, Bản tin video, talkshow… đáp ứng được yêu cầu về cả về số lượng, chất lượng, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới doanh nghiệp;

Website www.vibonline.com.vn (chuyên trang về xây dựng pháp luật) đăng tải các Dự thảo VBQPPL, đề nghị xây dựng VBQPPL, các chương trình, đề án, các tài liệu liên quan, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, các đề cương/ đặc san tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Trong 5 năm trở lại đây, trang Vibonline nhận được trung bình 6 triệu lượt truy cập mỗi năm, đã đăng tải 3015 lượt dự thảo VBQPPL và các tài liệu kèm theo (dự thảo, dự thảo tờ trình, bản thuyết minh chi tiết, đánh giá tác động của dự thảo, tổng kết quá trình thi hành pháp luật, các ý kiến chuyên gia, thông tin trên báo chí, thông tin soạn thảo…), 5468 ý kiến của VCCI, 219 sự kiện về xây dựng và thi hành pháp luật…;

Bên cạnh đó còn những website như: Website https://hotro.vibonline.com.vn/; trungtamwto.vn (Tiếng Việt)/ www.wtocenter.vn (Tiếng Anh); chongbanphagia.vn (Tiếng Việt)/ www.antidumping.vn (Tiếng Anh);…

Có thể thấy, VCCI đã sử dụng nhiều cách thức để đưa đến cho cộng đồng doanh nghiệp các thông tin về chính sách pháp luật trong nước và thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đây là hoạt động quan trọng, góp phần giúp doanh nghiệp nhận biết các chính sách, qua đó chấp hành và thực thi có hiệu quả các chính sách này.

Bên cạnh những kết quả đạt được, VCCI cũng thừa nhận còn một số tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện Luật PBGDPL trên thực tế bởi những lý do khách quan và chủ quan.

Và từ những thực tế đã nêu, VCCI cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như: Có tài liệu thống nhất trong toàn quốc về các vấn đề cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp, để đảm bảo việc áp dụng được đồng bộ đối với các doanh nghiệp;

Cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ở trung ương và địa phương với các tổ chức đại diện doanh nghiệp để nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp về những chủ đề kiến thức pháp luật ở từng địa phương, từ đó xây dựng được các hoạt động tuyên truyền với nội dung phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp tại mỗi địa phương;

Đa dạng hóa hình thức, phương thức tuyên truyền phổ biến pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục và phổ biến pháp luật, triển khai áp dụng hình thức tuyên truyền bằng cả hai ngôn ngữ: tiếng Anh và tiếng Việt;

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; Đẩy mạnh xã hội hoá công tác này; Hoàn thiện trang thông tin về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tăng cường chia sẻ thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan, địa phương để tận dụng nguồn lực, tránh trùng lắp, lãng phí; Tăng cường thêm nguồn lực, ngân sách cho hoạt động này.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.