Trong những thời khắc thử thách của tiến trình phát triển, chính sức mạnh bên trong, các giá trị nội sinh đã chứng minh vai trò chủ chốt như một động lực bứt phá.
>> Văn hoá doanh nghiệp Việt cần tư duy toàn cầu
Các giá trị cốt lõi, nổi bật là văn hóa kinh doanh đã trở thành kim chỉ nam dẫn lối, thúc đẩy cả đoàn tàu doanh nghiệp tiến về phía trước.
Không chỉ trong 12 tháng của năm 2022, mà trải qua 2 năm với đại dịch khi nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những biến cố hay chấn động bất ngờ từ thị trường, sức ảnh hưởng của văn hóa kinh doanh ngày càng được khẳng định rõ nét. Trong một thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn và khó dự báo như hiện nay, hơn bao giờ hết, văn hóa kinh doanh thể hiện rõ vai trò là một “trụ đỡ”, là lực đẩy quan trọng, giúp doanh nghiệp vượt qua mọi thách thức, phục hồi và phát triển bền vững.
Dù được diễn giải theo nhiều cách khác nhau, văn hóa kinh doanh vẫn là yếu tố được sản sinh và nuôi dưỡng từ chính nội tại doanh nghiệp, giờ đây đã được coi là một thành tố quan trọng của năng lực canh tranh. Tính đặc thù của văn hóa kinh doanh được tạo ra và dẫn dắt bởi người sáng lập, chủ sở hữu, người đứng đầu hoặc cổ đông lớn – gọi chung là “văn hóa ông chủ”.
Doanh nhân - nhà lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp là người tạo ra “gen” bản sắc trong quá trình xây dựng, định hình và thực thi văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp theo các mục tiêu đã đề ra. Văn hóa của doanh nhân chính là văn hóa liêm chính (hay còn gọi là chính trực, được dịch từ tiếng Anh là “Integrity”), bao gồm ba phẩm chất: (1) tính kỷ luật: kỷ luật với bản thân, với giá trị mình theo đuổi, với mục tiêu của tổ chức; (2) tính tuân thủ: tuân thủ pháp luật và các hệ thống chính sách quy định tại chính doanh nghiệp; (3) tính cam kết. Văn hóa liêm chính là điều duy nhất mà doanh nhân – nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải thực thi toàn bộ, không được ủy quyền. Chính suy nghĩ, phong cách điều hành của người chủ doanh nghiệp sẽ quyết định văn hóa lãnh đạo, từ đó định hình văn hóa kinh doanh khác biệt, độc nhất của công ty mà các đối thủ cạnh tranh không thể sao chép. Qua đó, tạo nên giá trị tín nhiệm của doanh nghiệp.
>> Đạo đức và văn hóa doanh nghiệp góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia
Theo nghiên cứu của Deloitte, tín nhiệm là một đặc tính chỉ có ở con người và liên quan đến con người. Được phân chia trên nhiều cấp độ giữa các cá nhân, tín nhiệm được tạo nên bởi bốn khía cạnh: thể chất, cảm xúc, số hóa và tài chính. Theo đó, các yếu tố tạo nên sự tín nhiệm có thể giúp doanh nghiệp tạo dựng những cơ hội quý giá hoặc ngược lại, làm giảm lòng tin nơi đối tác.
Được công bố bởi VCCI, Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam bao gồm 6 điều, quy định những chuẩn mực và phẩm chất cần có của mọi doanh nhân. Trong đó, giá trị minh bạch, công bằng, liêm chính được đề cao và xuất hiện trong những dòng đầu tiên, thể hiện tầm quan trọng của việc kinh doanh có văn hóa trong bất kỳ thời đại nào. Đặc biệt trong bối cảnh hiện đại, khái niệm này đã vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường khi môi trường kinh doanh minh bạch, các hoạt động phi tài chính của doanh nghiệp được quan tâm nhiều hơn, thể hiện qua việc các chính phủ và sàn giao dịch chứng khoán khuyến khích doanh nghiệp báo cáo về hoạt động phi tài chính của họ.
Văn hóa kinh doanh có thể không phải là lực đẩy giúp tạo ra lợi nhuận ngay tức thì, nhưng đây là nền tảng thiết yếu để doanh nghiệp gia tăng khả năng chống chịu, vượt qua thử thách và phát triển bền vững. Điều này có thể được nhận thấy rõ ràng trong thời kỳ khủng hoảng, cụ thể trong đại dịch Covid-19. Là tấm lá chắn và lực đẩy phát triển, văn hóa kinh doanh đã tạo nên những lợi thế cạnh tranh không thể thay thế giúp doanh nghiệp đối diện với những động thái chi phối từ Chính phủ, nhà đầu tư, nhân viên, khách hàng, cộng đồng.
Dù đại dịch đã đi qua, nhưng những hệ quả từ sự dịch chuyển địa chính trị, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp duy trì văn hóa kinh doanh để phát triển bền vững. Theo một khảo sát khác của Deloitte, 54% nhà đầu tư toàn cầu coi đầu tư bền vững là nền tảng cho mọi quy trình, kết quả đầu tư. Trong bối cảnh các kỳ vọng, hành vi tiêu dùng thay đổi, doanh nghiệp đứng trước áp lực phải cải thiện tính minh bạch, liêm chính trong hoạt động kinh doanh nhằm đứng vững trước sự giám sát của nhà đầu tư hay hệ thống pháp luật. Nói cách khác, xây dựng nền tảng văn hóa kinh doanh là lựa chọn duy nhất với doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai.
Bên cạnh các hoạt động kinh doanh, việc thực thi Trách nhiệm xã hội (CSR) cũng thể hiện cam kết và trách nhiệm của doanh nghiệp trong sự đồng hành cùng xã hội. Đây cũng là một thành tố để đo giá trị cống hiến của doanh nghiệp với cộng đồng, đảm bảo sự hài hòa giữa các yếu tố phát triển kinh tế gắn với tuân thủ, đạo đức kinh doanh, với sự phát triển an toàn của cộng đồng xã hội và giảm tác động tới môi trường.
Giờ đây, nền kinh tế phát triển đến mức cơ hội thực sự chỉ dành cho những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, biết theo đuổi giá trị phát triển bền vững. Năm 2023 phía trước sẽ còn nhiều thách thức, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải biết tận dụng và phát huy nội lực của mình. Tuy nhiên, một khi doanh nghiệp xây dựng được bộ quy tắc ứng xử dựa trên nền tảng đạo đức, liêm chính và minh bạch trong kinh doanh, doanh nghiệp đó đã kiến thiết được nguồn năng lực cạnh tranh vượt trội, gia tăng cơ hội tiếp cận, hợp tác và kinh doanh hiệu quả hơn.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...