H ai năm qua, đại dịch Covid-19 lan rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước ta, những câu chuyện về doanh nhân lập ra các ATM gạo, ATM thuốc chữa bệnh, ATM oxy… miễn phí, hay những doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận thua lỗ nhưng vẫn duy trì sản xuất để người lao động không bị mất việc và vẫn có thu nhập nuôi sống gia đình, hay như việc hàng trăm, hàng nghìn công nhân chấp nhận tạm thời làm việc không nhận lương, trụ lại để chung sức cùng người sử dụng lao động giữ cho doanh nghiệp khỏi bị phá sản… là những minh chứng sống động cho hệ giá trị đạo đức kinh doanh, kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh vì cộng đồng…

Cây

Cây "ATM gạo" tại Hải Phòng đã góp phần trợ giúp những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Có thể nói, chính văn hóa là bộ "gene" đặc biệt tạo nên hệ giá trị giúp cho doanh nghiệp xác định được phương hướng và có biện pháp, sức mạnh ứng phó hiệu quả trong khủng hoảng, biến cố bất thường để tiếp tục chèo lái đưa doanh nghiệp vượt qua thách thức, đạt đến mục tiêu phát triển bền vững.

Qua nhiều năm triển khai, chúng tôi nhận thấy, Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam đã thu hút hàng nghìn doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên toàn quốc tham gia. Với những tiêu chí cụ thể về trách nhiệm xã hội, về xây dựng văn hóa của doanh nghiệp, Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (Bộ chỉ số CSI) đã tạo nên giá trị gia tăng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Được bình chọn trong danh sách "Doanh nghiệp bền vững" hằng năm không chỉ là niềm tự hào của doanh nghiệp, mà còn là sự ghi nhận của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, xã hội đối với hoạt động của những doanh nghiệp tiên phong có đóng góp xuất sắc vào sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Chúng ta có thể tự hào, Việt Nam đã tạo được cộng đồng doanh nghiệp bền vững lớn mạnh qua từng năm tháng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhận định, Bộ chỉ số CSI là chỉ tiêu bổ sung hoàn hảo vào Bộ chỉ tiêu Phát triển doanh nghiệp mà Chính phủ công bố hằng năm vào ngày 13/10. Và đợt khủng hoảng, đứt gãy sản xuất do tác động của đại dịch vừa qua một lần nữa minh chứng, những doanh nghiệp lựa chọn con đường phát triển bền vững có khả năng phục hồi sản xuất tốt hơn, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động, với đối tác và lớn hơn là với cộng đồng được vun đắp trong suốt những năm tháng qua đã mang lại quả chín quý giá khi "mùa màng" thất bát.

S au 35 năm đổi mới, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, nước ta đã có hơn 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 25 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta có vai trò và đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững do VCCI khởi xướng và tổ chức

Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững do VCCI khởi xướng và tổ chức

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp, doanh nhân chân chính, vẫn tồn tại không ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không tuân thủ pháp luật, chộp giật, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, tận diệt các nguồn lực thiên nhiên…

Nghị quyết 09-NQ/TW năm 2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã xác định: Đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân.

Từ đó, xây dựng chuẩn mực của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội và có đạo đức, văn hóa kinh doanh, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xây dựng hình ảnh doanh nhân có bản sắc Việt Nam; khuyến khích doanh nhân không ngừng hoàn thiện mình để trở thành những người có trách nhiệm, có đóng góp cho xã hội và đất nước

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 10/11 là "Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam", điều đó càng khẳng định mạnh mẽ ý nghĩa của việc xây dựng, phát huy văn hóa doanh nghiệp gắn liền với mục đích và động lực vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, của một xã hội kinh tế thu nhỏ, chính là sự phát triển đáp ứng mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Sau hai năm chịu tác động của dịch bệnh, chúng ta càng nhìn nhận rõ hơn giá trị của "gen" văn hóa doanh nghiệp, khi mà sự tiếp biến văn hóa sẽ tạo nên nền tảng phục hồi và phát triển bền vững cho đời sống kinh tế - xã hội.

K hông thể có quốc gia giàu mạnh nếu giới doanh nhân, doanh nghiệp không có văn hóa, bản sắc ở tầm cao. Kinh doanh một cách nhân bản hơn với những giá trị chân - thiện - mỹ được cụ thể hóa trong đời sống doanh nghiệp, lựa chọn vun bồi đạo đức kinh doanh, sự tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, với thiên nhiên, môi trường, tôn trọng quá khứ và trách nhiệm với tương lai… tất cả những điều ấy đã vượt ra khỏi sự bó hẹp của những khái niệm, trở thành dòng chảy nội tại của mỗi doanh nghiệp, thấm nhuần trong ý thức và hành động của mỗi cá nhân, không phân biệt vị trí, việc làm trong doanh nghiệp. Nhờ bộ "gen" đặc biệt này, có thể giải mã bản sắc riêng, tính đặc trưng, hệ giá trị tạo ra sự khác biệt lớn nhất cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Để khép lại bài viết, tôi muốn dẫn một nhận định của tổ chức tư vấn đào tạo quốc tế Franklin Covey, "đối thủ của bạn có thể sao chép tất cả mọi thứ, từ chiến lược, sản phẩm, hệ thống, bí quyết công nghệ chỉ trong tích tắc bằng một cú nhấp chuột… Nhưng có một thứ duy nhất, họ không thể sao chép hay ăn cắp được, đó chính là văn hóa doanh nghiệp của bạn".