Tỷ lệ thất nghiệp trong 9 tháng là 2,67%, cao nhất từ đầu năm đến nay

2021-09-29 16:03:44

Tỷ lệ thất nghiệp của cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67%, mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Thông tin này được công bố tại họp báo số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2021 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng ngày 29/9.

Tại họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, trong quý III/2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm của cả nước. Lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước, và so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III/2021 ước tính là 49,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,4 triệu người, giảm 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý III/2021 ước tính là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, tính chung 9 tháng năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49,1 triệu người, bao gồm 14,1 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,2 triệu người, giảm 1,4%; khu vực dịch vụ là 18,8 triệu người, giảm 2,3%.

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67% (quý I là 2,19%; quý II là 2,40%; quý III là 3,43%).

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong đó, khu vực thành thị là 3,58%; khu vực nông thôn là 2,15%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 9 tháng là 2,91% (quý I là 2,42%; quý II là 2,62%; quý III là 3,72%), trong đó, khu vực thành thị là 3,78%; khu vực nông thôn là 2,39%.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 9 tháng năm 2021 ước tính là 7,85%, trong đó khu vực thành thị là 10,62%; khu vực nông thôn là 6,54%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2021 là 2,20%; quý II là 2,60%; quý III ước tính là 4,39%.

Tính chung 9 tháng năm nay, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 3,04%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,0%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,07%.

Ngoài ra, báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 9 tháng năm nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư. Trước tình hình đó, Chính Phủ đã ban hành các Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 86 của Chính phủ, Quyết định số 23 để bảo đảm công tác an sinh xã hội và đời sống của nhân dân.

Tính đến ngày 21/9 vừa qua, tổng kinh phí đã hỗ trợ là gần 13,8 nghìn tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng.

Trong đó, có 11,4 nghìn tỷ đồng được chi cho 23 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh; xuất cấp 136.349,6 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho hơn 2,4 triệu hộ gia đình, với gần 9,1 triệu nhân khẩu gặp khó khăn do dịch trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Riêng TP.HCM đã chi trên 5.446 tỷ đồng (chiếm 40% toàn quốc), hỗ trợ trên 4,81 triệu đối tượng và trao 1,8 triệu túi an sinh xã hội cho người dân.

Trong 9 tháng năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 10.434,1 tỷ đồng. Có hơn 29,3 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.

Đại diện Tổng Cục Thống kê nhận định, bước sang quý IV, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù tiêm chủng vaccine Covid-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ nhưng nguy cơ phục hồi của kinh tế thế giới vẫn mong manh, việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu còn hiện hữu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Để khắc phục những khó khăn trong những tháng còn lại của năm 2021, cần tập trung: theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

Nguồn: Cafef