Dự báo từ nay đến hết quý 2/2023, các doanh nghiệp có thể phải tiếp tục cắt giảm thêm 15.000 lao động, 271.700 người bị giảm giờ làm.
>>> Giải pháp căn cơ nào hỗ trợ lao động bị giãn việc?
Ngoài 42.000 công nhân mất việc, hơn 500.000 người thiếu việc làm tại khoảng 1.500 doanh nghiệp trên cả nước, suy thoái kinh tế dẫn đến doanh nghiệp thiếu đơn hàng dự báo tiếp tục kéo dài đến sau Tết Nguyên đán.
Hơn lúc nào hết, cần có chính sách hoặc gói hỗ trợ trước mắt và lâu dài, sát với thực tiễn đời sống để hỗ trợ người lao động, góp phần nuôi dưỡng nguồn lực lao động, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn để tiếp tục phát triển, nắm bắt cơ hội phát triển sau suy thoái.
Trước mắt, để chăm lo Tết cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trích kinh phí hỗ trợ khoảng 1 triệu công nhân bị cắt giảm việc làm, có hoàn cảnh khó khăn mỗi suất 500.000 đồng; tổ chức các phiên chợ Tết tại 22 tỉnh thành để công nhân mua sắm đồ dùng thiết yếu với giá bán thấp hơn thị trường từ 15% - 50%; phát tặng các phần quà 0 đồng...
Ngoài ra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục nghiên cứu triển khai thêm một gói hỗ trợ nữa cho đối tượng trên.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Thương binh Xã hội, VCCI kiến nghị Chính phủ dành nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động. Cách đây chưa lâu, do ảnh hưởng của COVID-19, Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ thuê nhà trọ cho người lao động. Hiện nay, trước tình trạng doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, người lao động mất việc, có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới hoặc học nghề, nâng cao trình độ, tiếp cận công nghệ, dây chuyển sản xuất mới thì cần có chính sách hỗ trợ đào tạo lại cho người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhất trí và cho rằng đề xuất gia hạn một số chính sách hỗ trợ của gói 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ hỗ trợ người lao động là hoàn toàn hợp lý bởi việc ban hành gói hỗ trợ mới vào thời điểm cuối năm sẽ mất thời gian triển khai trong khi thực tế ngày càng cấp bách, doanh nghiệp lẫn lao động bị ảnh hưởng do giảm đơn hàng ngày càng nhiều.
Trước tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội xảy ra tại một số tỉnh phía Nam, dù các cơ quan quản lý Nhà nước không mong muốn nhưng đây là vấn đề đã xảy ra. Các cấp công đoàn tích cực tuyên truyền công nhân gắn bó sản xuất nhưng với tình trạng thiếu đơn hàng, sản xuất tiếp tục khó khăn từ nay đến giữa năm sau, việc rút bảo hiểm xã hội có thể gia tăng.
Vì vậy, cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, Công đoàn mong muốn Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH sớm báo cáo lên cấp có thẩm quyền để có biện pháp hỗ trợ có lợi cho người lao động.
Trong đó, xem xét trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, giãn đóng bảo hiểm xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp cho đến khi sản xuất ổn định trở lại. Các chính sách này đều đã được luật định, thẩm quyền quyết định là Quốc hội.
Riêng kinh phí công đoàn (trích 2% quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội) mà doanh nghiệp đóng hàng tháng, trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, tới đây có thể xem xét lùi đóng phí công đoàn với doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Về lâu dài, khi sửa Luật Công đoàn sẽ tính toán sửa đổi theo hướng trực tiếp báo cáo Chính phủ hoặc Thường vụ Quốc hội trong trường hợp bất khả kháng để sớm xử lý.
Về đoàn phí công đoàn (người lao động đóng 1% tiền lương đóng bảo hiểm xã hội) thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn và đưa vào điều lệ, trong trường hợp người lao động bị mất việc và khó khăn, có thể không phải đóng đoàn phí công đoàn.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...