Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã sát nút 100 tỷ USD, những lĩnh vực nào có cơ hội hưởng lợi?

2021-11-30 07:50:03

Trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt 99 tỷ USD, con số rất gần với mức 100 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng năm 2021 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%).

Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%. Thị trường EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%. Thị trường ASEAN đạt 25,9 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 14,6%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 10/2021 đạt 26,13 tỷ USD, thấp hơn 67 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 11/2021 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng trước và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng năm 2021 có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 50,3 tỷ USD, tăng 20,3%. Thị trường ASEAN đạt 37 tỷ USD, tăng 36,1%. Nhật Bản đạt 20,3 tỷ USD, tăng 10,1%. Thị trường EU đạt 15,5 tỷ USD, tăng 18,2%. Hoa Kỳ đạt 14,2 tỷ USD, tăng 14,6%.

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ sớm khả năng cán mốc 100 tỷ USD

Trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt 99 tỷ USD, con số rất gần với mức 100 tỷ USD.

Trước đó, ông Nguyễn Thắng Vượng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định tại Diễn đàn Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ trong hoàn cảnh mới, quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong năm 2021, bất chấp các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ cán mốc 100 tỷ USD.

Trong 5 năm gần nhất, trung bình hàng năm, hàng Việt xuất sang Hoa Kỳ tăng 230%, từ Hoa Kỳ nhập vào Việt Nam tăng 175%. Việt Nam theo đó đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ.

Ông Vượng cho rằng, với sự chuyển hướng chính sách của chính quyền dưới thời Tổng thống Joe Biden lựa chọn ưu tiên, hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, Việt Nam rất có thể trở thành đối tác quan trọng nhất nhờ vị trí địa chính trị thuận tiện.

Những ngành hàng xuất khẩu nào có cơ hội hưởng lợi? Chính là các mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ chính của Việt Nam, gồm dệt may, điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác, giày dép, đồ gỗ (mỗi mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên).

Các ngành hàng trọng điểm như linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử có giá trị cao, hay ngành hàng may mặc, ngoài nhu cầu tăng từ Hoa Kỳ khi nền kinh tế hồi phục hậu đại dịch, còn có đón nhận tin vui gần đây khi Vietnam Airlines được cấp phép bay thẳng thường lệ đến Hoa Kỳ. Mặt hàng này, với trọng lượng và kích thước nhỏ gọn, có hiệu quả chất xếp cao về mặt vị trí và có thể chất cabin khi chuyến bay cho phép khai thác cabin, được đánh giá là sẽ .

Ngành da giày, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, cứ 1 người Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 6 đôi giày dép/năm thì 1,3 đôi giày dép xuất xứ từ Việt Nam. Trong những năm qua, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng giày dép các loại của Việt Nam. Xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Hay như mặt hàng gỗ, dữ liệu thống kê từ Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu đồ nội thất gỗ từ thị trường Việt Nam nhiều nhất, đạt 6,7 tỷ USD, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 40,6% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ, tăng 4,5 điểm % so với cùng kỳ năm 2020.

Ngành gỗ Việt Nam cũng đứng trước cơ hội lớn khi Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trước đó đã thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Thỏa thuận này chính thức khép lại vụ Điều tra 301 của Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.