Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn

Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn thúc đẩy Giap thương Việt - Mỹ

Cơ hội và thách thức

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong bối cảnh mới” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức ngày 16/11, nhiều doanh nghiệp cho biết những thay đổi của thị trường Hoa Kỳ đang khiến doanh nghiệp Việt gặp nhiều thách thức khi tiếp cận.

Cụ thể, chia sẻ về cơ hội và thách thức liên quan thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là thương mại số, ông Nguyễn Thắng Vượng, Đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, định hướng chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden có xu hướng “đảo ngược” các chính sách gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Trump, theo đó, họ cẩn trọng và thận trọng hơn, ít gây “sốc” hơn với các đối tác thương mại.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cho biết thêm, khi gia nhập sâu hơn vào thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp cần chú ý đến tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu, cũng như phải đáp ứng đầy đủ các chứng chỉ. Như bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy – Túi xách Việt Nam cho biết, người tiêu dùng Hoa Kỳ chỉ thích dùng các thương hiệu, điều này buộc Việt Nam thông qua các nhãn hàng nổi tiếng để xuất hiện tại thị trường này.

Khi Việt Nam mở rộng quan hệ ngày càng sâu rộng với đối tác lớn mạnh hơn như Hoa Kỳ thì thách thức sẽ càng lớn. Cụ thể, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden có chính sách kế thừa chọn lọc của Tổng thống Trump trong việc tạo áp lực lớn tới các đối tác trong quá trình đàm phán thì Việt Nam sẽ có những lưu ý cần phải theo dõi thận trọng.

Theo bà Bùi Kim Thuỳ, Đại diện cấp cao tại Việt Nam – Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), nền kinh tế Hoa Kỳ có 3 trụ cột lớn, trong đó quan trọng nhất là kinh tế số, được biểu hiện bởi kết nối số và an ninh mạng. “Chắc chắn, kinh tế số không chỉ là trụ cột của kinh tế Hoa Kỳ mà còn là hiện tại và tương lai của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam”, bà Bùi Kim Thuỳ nhấn mạnh.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá, dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, chuỗi cung ứng toàn cầu liên tiếp bị đứt gãy nhưng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ có xu hướng đẩy mạnh đàm phán để đầu tư vào các dự án tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, như: chế tạo – chế biến, năng lượng sạch, hàng không, y tế, dược phẩm... Đây là tín hiệu tích cực trong việc thu hút nguồn vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam.

“Tôi tin rằng, những dấu ấn của các nhà lãnh đạo sẽ là điểm tựa để mối quan hệ Đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nói chung và vấn đề giao thương Việt Nam – Hoa Kỳ ngày một phát triển bền vững”, ông Hoàng Quang Phòng cho biết.

Những tiềm năng mới

Nhấn mạnh Việt Nam và Hoa Kỳ có những cơ sở vững chắc để quan hệ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, ông Phạm Quang Vinh, Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ khẳng định, dư địa hợp tác và tính bổ sung cho nhau giữa hai nền kinh tế là rất lớn.

Ông Vinh cho rằng, hai bên cần phải khai thác mạnh hơn các dư địa này. Vừa qua, Việt Nam đã đồng thời đẩy mạnh cải cách và đổi mới để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Mỹ, chủ động nhập nhiều hơn các hàng hóa từ Hoa Kỳ, bao gồm cả những dự án lớn về máy bay, năng lượng, điện gió… Ngược lại, Hoa Kỳ cũng đã xem xét và đồng ý mở rộng tiếp cận thị trường cho hàng hóa của Việt Nam như các sản phẩm nông thủy sản… là cơ hội tốt để phát triển hơn nữa hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Việc Vietnam Airline khai thác đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trong tương lai

Việc Vietnam Airline khai thác đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trong tương lai

Tuy nhiên, Cựu Đại sứ Mỹ cho biết, một số trở ngại vẫn cần được khắc phục trong thời gian tới để mở rộng hợp tác như môi trường kinh doanh vẫn cần phải cải thiện hơn nữa. Trong khi đó, để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, hàng hóa Việt Nam vẫn gặp phải những trở ngại như chống trợ cấp, phá giá. “Trong khi triển khai, hai bên cần tiếp tục tham vấn để tạo thuận lợi hơn nữa cho việc hợp tác”, ông Vinh nhấn mạnh.

Tương tự, bà Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cũng cho rằng, có rất nhiều vấn đề hai bên cần làm việc với nhau để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư. Đặc biệt là về TIFA, đây chính là điểm hai nước cần nỗ lực hơn do vẫn còn nhiều điều chưa thỏa mãn yêu cầu của hai bên.

Hiện tại chính sách thuế còn chưa có sự đồng bộ giữa các tỉnh thành, ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Cùng với đó là các thủ tục hành chính cần giảm thiểu, nhất là các thủ tục tốn nhiều chi phí. Chủ tịch Amcham cho biết, hai bên cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện những vấn đề này để có một cơ chế làm việc với nhau hiệu quả hơn.

Về lĩnh vực đang được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu hiện nay là phát triển kinh tế số, bà Virginia đánh giá Mỹ sở hữu những doanh nghiệp mạnh về công nghệ thông tin và Việt Nam cũng đang dần có nhiều doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh phát triển dịch vụ số hai nước cũng phải xây dựng khung hoạt động của ngành này để các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, các ngân hàng tham gia mạnh mẽ hơn vào cấu trúc nền kinh tế số.

Với cột mốc Vietnam Airline khai thác đường bay thẳng thương mại từ Việt Nam đến Mỹ sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội, đưa quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước lên tầm cao mới với nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không được dự báo tăng mạnh.